Áp dụng kỹ thuật mới cứu sống nhiều bệnh nhi
Thời gian qua, khoa Nhi, BVÐK tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, cứu sống nhiều bệnh nhi nguy kịch như sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp nặng, đặc biệt trong bệnh cảnh sốt xuất huyết Dengue nặng.
Khoa Nhi - BVĐK tỉnh đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới chuyên sâu cứu sống nhiều bệnh nhi nặng.
Với sự hỗ trợ từ dự án JICA (Nhật Bản), khoa Nhi đã được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm tại giường bệnh, máy lọc máu liên tục, máy chụp X-quang tại giường bệnh, bổ sung thêm các máy thở. Tận dụng ưu thế này, khoa Nhi triển khai nhiều kỹ thuật mới trong hồi sức cấp cứu nhi như: Đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm qua tĩnh mạch nền, dẫn lưu màng bụng, dẫn lưu màng phổi, đo áp lực ổ bụng qua bàng quang, siêu âm cấp cứu tại giường bệnh, qua đó đánh giá nhiều chỉ số quan trọng để định hướng điều trị.
Chạy đua cứu sống bệnh nhi
Từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh sốt xuất huyết trong tỉnh bùng phát mạnh với hơn 50 ca bệnh rất nặng. Nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị, kỹ thuật mới, tháng 4 vừa qua, các y bác sĩ khoa Nhi đã cứu bé Nguyễn Thị Kim Ngân (8 tuổi, ở TP Quy Nhơn) qua cơn thập tử nhất sinh do sốt xuất huyết Dengue.
Trước đó, bé Ngân nhập viện trong tình trạng sốc nặng, suy đa tạng, nguy cơ tử vong trên 90%. Các bác sĩ phải rất cân não để có quyết định điều trị phù hợp, chính xác và sử dụng các kỹ thuật cao. Trong đó, kết hợp cùng lúc các kỹ thuật đo huyết áp động mạch xâm lấn, thở máy theo phương thức huy động phế nang, dẫn lưu màng phổi, màng bụng để giảm chèn ép, siêu âm cấp cứu tại giường bệnh, dùng thuốc vận mạch liều cao Dopamin, Adrenalin duy trì huyết động ổn định, hạn chế tổn thương đa tạng. Sau hơn 2 tuần cấp cứu, điều trị tích cực, bệnh nhi đã ổn định sức khỏe.
Từ đầu năm 2019 đến nay, khoa Nhi có 3 lần liên tục được Sở Y tế tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, cho hay: “Bé Ngân là bệnh nhân sốc nặng nhất tính đến thời điểm này. Trước kia, cấp cứu những ca bệnh nặng trong sốt xuất huyết rất khó vì có những “điểm mù” do không theo dõi được huyết áp liên tục, dễ dẫn đến suy đa tạng, tử vong rất nhanh. Nhờ những kỹ thuật mới và thiết bị y tế hiện đại, chúng tôi đã cứu sống được nhiều bệnh nhi nặng, đặc biệt là trong bệnh sốt xuất huyết, giảm rất nhiều ca bệnh suy đa tạng, hạn chế tình trạng lọc máu cho bệnh nhân”.
Khẳng định chất lượng điều trị
Cuối năm 2018, khi Bình Định triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng và xuất hiện một số ca phản ứng nặng sau tiêm, khoa Nhi cũng trở thành địa chỉ cấp cứu thành công những ca phản ứng nặng.
Điển hình là trường hợp bé trai N.H.Đ (2 tháng tuổi) được TTYT huyện Tây Sơn chuyển viện cấp cứu đến khoa Nhi cuối tháng 3.2019 do phản ứng nặng sau tiêm, tím tái, phù phổi cấp. Bệnh nhi quá nhỏ, các bác sĩ phải sử dụng đến kỹ thuật tương đối khó là đo huyết áp động mạch xâm lấn, trẻ càng nhỏ càng khó thực hiện, nhất là khi bệnh nhân trụy mạch. Nhờ đo được huyết áp động mạch xâm lấn, các bác sĩ đã chống sốc hiệu quả cho bệnh nhân. Qua ca xử lý thành công này, TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, đã đánh giá rất cao kỹ năng hồi sức cấp cứu của các bác sĩ và điều dưỡng khoa Nhi, BVĐK tỉnh.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng cho biết thêm, khoa Nhi hiện thường trực có 13 bác sĩ, riêng bộ phận cấp cứu nhi có 5 bác sĩ. Nhờ Khoa chú trọng đào tạo cho bác sĩ, điều dưỡng tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật mới, khó trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu nhi, BVĐK tỉnh đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó ngay tại tỉnh ngang tầm với bệnh viện tuyến Trung ương. Đây cũng là “điểm cộng” quan trọng để khoa Nhi thu hút bệnh nhân điều trị. Hiện mỗi ngày nơi đây tiếp nhận hơn 110 bệnh nhân chuyển tuyến từ các cơ sở y tế trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
MAI HOÀNG