Dinh dưỡng hợp lý hạn chế trẻ thấp còi
Suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi là tình trạng trẻ có chiều cao theo tuổi thấp so với chiều cao chuẩn. Đây là dạng SDD mạn tính, kéo dài, phản ánh một quá trình dài chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ với chất lượng thấp. Hầu hết các trường hợp thấp còi xảy ra trước khi trẻ được 3 tuổi. Nếu trẻ bị SDD bào thai hoặc sinh non tháng, nhẹ cân, chiều dài thấp thì nguy cơ SDD thấp còi cao. Ở giai đoạn trẻ dưới 2 tuổi, cách nuôi trẻ là vô cùng quan trọng để tránh nguy cơ trẻ bị SDD.
Trạm y tế phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho các bà mẹ có con nhỏ.
Bác sĩ Đỗ Thị Hạnh Nga, Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tư vấn: Từ trẻ sơ sinh đến tròn 6 tháng, sữa mẹ cung cấp toàn bộ nhu cầu năng lượng của trẻ. Từ sau 6 tháng đến 11 tháng, sữa mẹ tiếp tục cung cấp 60% nhu cầu năng lượng của trẻ, từ 12 tháng đến 24 tháng, sữa mẹ cung cấp 40% nhu cầu năng lượng, phần năng lượng thiếu phải bù đắp từ thức ăn bổ sung. Cụ thể, từ sau 6 tháng đến 8 tháng, trẻ bắt đầu tập ăn bổ sung bột đặc, thức ăn nghiền, mỗi lần nửa chén, 2 lần/ngày, cùng với bú mẹ thường xuyên. Ở tháng thứ 9 - 11, cần cho trẻ ăn thức ăn nghiền mỗi lần 3/4 chén, 3 lần/ngày, bú mẹ thường xuyên. Từ tháng thứ 12 - 24, cho trẻ ăn thức ăn có thể thái nhỏ hoặc nghiền mỗi lần 1 chén, 3 lần/ngày, cùng 2 bữa phụ và bú mẹ thường xuyên. Đối với những trẻ không được bú mẹ thì ngoài khẩu phần trên cho trẻ uống thêm 1 - 2 ly sữa/ngày và ăn thêm 1 - 2 bữa/ngày.
Cần cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Thời gian tập cho ăn lỏng chỉ nên dưới 2 tuần. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp với khẩu vị của trẻ. Chế độ dinh dưỡng hợp lý được thể hiện qua sự tăng cân đúng chuẩn của trẻ: 3 tháng đầu tăng từ 1 - 1,3 kg/tháng; từ tháng thứ 4 - 6 tăng 500 - 600 g/tháng; tháng thứ 7 - 9 tăng 300 - 400 g/tháng; 3 tháng cuối năm tăng 200 g/ tháng. Nuôi trẻ trong cả năm đầu cần tăng gấp 3 lần trọng lượng so với lúc trẻ mới sinh.
Nếu cho ăn bổ sung quá muộn thì trẻ không nhận đủ dinh dưỡng cần thiết, dễ bị SDD và thiếu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng có những sai lầm của bà mẹ khi cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, không tăng cường số bữa cho trẻ theo tháng tuổi, đặc biệt những trường hợp trẻ chỉ ăn rất ít hoặc bỏ ăn. Cũng cần lưu ý, nếu khuấy bột chưa chín gây rối loạn tiêu hóa, việc cho quá nhiều rau và các loại củ, quả khiến bữa ăn dặm không đủ dinh dưỡng, để ý đến khẩu vị của trẻ khi chế biến món ăn…
THU PHƯƠNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)