ĐBQH Lê Thanh Vân: Quốc hội cần thiết phải giám sát về báo chí
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, không ít nơi, cá nhân ngăn cản, né tránh sự điều tra của báo chí. Cá biệt, có nơi còn ngăn cản, hành hung phóng viên.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 3.6 về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (đoàn Cà Mau) cho rằng có một vấn đề mà Quốc hội cần quan tâm, đó là lĩnh vực báo chí.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). (ảnh: Quochoi.vn)
Theo đại biểu, Luật báo chí được ban hành đến nay đã 9 năm, hoạt động báo chí đã phát huy được những mặt tích cực, góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoạt động quản lý báo chí của cơ quan chức năng cơ bản đã thực hiện tốt.
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có trường hợp và không ít nơi, cá nhân ngăn cản, né tránh sự điều tra của báo chí. Cá biệt có những nơi còn ngăn cản, hành hung phóng viên. Còn có hiện tượng lạm dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân...
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cần thiết phải giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động báo chí ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng giám sát, làm rõ những mặt được, mặt chưa được, thậm chí có mặt vi phạm để chỉnh đốn hoạt động báo chí trong thời gian tới.
Giám sát còn thiếu tính thâm nhập
Liên quan đến phương thức hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu đoàn Cà Mau cho biết, gần đây Quốc hội đã chọn đúng chủ đề tiến hành giám sát tối cao trong và giữa 2 kỳ họp Quốc hội, đáp ứng yêu cầu nhân dân đòi hỏi. Tuy nhiên, phương pháp giám sát của Quốc hội dù đã được cải tiến nhưng vẫn còn bất cập, việc thâm nhập hiện trường, đối tượng chịu tác động của chính sách pháp luật vẫn còn hạn chế.
"Chúng ta về cơ bản vẫn lắng nghe báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát thay vì đi hiện trường kiểm tra trên thực tiễn thế nào, độ vênh ra sao, tâm lý, nguyện vọng của đối tượng tác động thế nào...? Giám sát là cách thức để Quốc hội kiểm tra tính đúng đắn của các quy định pháp luật do Quốc hội ban hành, nên phải xem xét rất kỹ lưỡng” - ông Lê Thanh Vân góp ý.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng công cụ giám sát còn khiêm tốn, việc huy động chuyên gia, phương tiện, thậm chí giám định, trưng cầu giám định để làm rõ nghi vấn đại biểu Quốc hội đưa ra để đánh giá chính xác diễn biến thực tiễn còn yếu./.
Theo Kim Anh (VOV.VN)