KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CỤ NGUYỄN VĂN TỐ (5.6.1889 - 5.6.2019):
Chân dung một trí thức yêu nước
Cụ Nguyễn Văn Tố
Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe) sinh ngày 5.6.1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Ðông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cụ tốt nghiệp Trường thông ngôn và làm việc tại Viện Viễn Ðông Bác cổ; rất uyên thâm về Hán học, Tây học và là học giả có tên tuổi thời bấy giờ... Nội dung chủ yếu các tác phẩm của cụ thể hiện truyền thống văn hóa dân tộc, cốt cách tâm hồn Việt Nam, và biểu hiện sâu sắc nhất là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
Người đi đầu truyền bá chữ Quốc ngữ
Cụ Nguyễn Văn Tố là nhà trí thức yêu nước, có nhiều công lao, đóng góp to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn; đi đầu trong sự nghiệp truyền bá chữ Quốc ngữ. Cụ để lại nhiều công trình nghiên cứu liên ngành và chuyên sâu, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, như sử học, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa học, văn hóa dân gian, kiến trúc… Các tác phẩm: Sự tích Ôn Như hầu, Hoa tiên, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Thơ xuân đời Hồng Ðức, Thơ vịnh sử đời Hồng Ðức, Hạnh thục ca... được cụ Nguyễn Văn Tố nghiên cứu và viết lại bằng tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Việt, góp phần rất lớn nâng cao dân trí, giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân. Từ năm 1941 - 1945, trên tạp chí Tri Tân, thống kê có tới 114 mục bài mang tính chuyên sâu của cụ. Cụ cũng là người Việt Nam duy nhất được phép sửa văn Pháp cho mọi bài viết đăng trên Tập san Viễn Đông Bác cổ, kể cả bài viết của Giám đốc người Pháp George Coedès.
Từ năm 1934 - 1946, với cương vị Hội trưởng Hội Trí tri, Cụ đã có những đóng góp mang ý nghĩa tạo tiền đề cho công cuộc chấn hưng đất nước. Năm 1938, Cụ được cử làm Hội trưởng Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ Bắc Kỳ. Qua 7 năm (1938 - 1945), Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ đã mở 17 chi nhánh ở Bắc Kỳ với 820 lớp học, có 2.903 giáo viên đã dạy cho 41.118 người biết đọc, biết viết. Khu vực Trung Kỳ thành lập 11 chi nhánh; thu hút nhiều nhà trí thức tên tuổi như: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn… Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ trở thành nòng cốt của cuộc vận động diệt “giặc dốt” và phong trào “bình dân học vụ”. Năm 1941, Cụ tham gia sáng lập Tạp chí Tri Tân với mục đích “để xem xét việc đời xưa mà hiểu biết việc đời nay thì có thể làm thầy thiên hạ”. Cụ Nguyễn Văn Tố còn là tác giả 2 bộ sử học đồ sộ “Đại Nam dật sử” và “Sử ta so với sử Tàu”, đã làm sâu sắc thêm lịch sử nước nhà và góp phần tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Chính phủ Liên hiệp kháng chiến đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội khóa I chấp thuận, ngày 3.11.1946. Hàng đầu (từ trái sang phải): Bộ trưởng Bộ không bộ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng. Nguồn: VPQH
Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Chủ tịch Quốc hội đầu tiên
Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ Nguyễn Văn Tố đã hòa vào dòng chảy của cách mạng, tích cực tham gia tiễu trừ “giặc đói”. Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia việc nước, nhậm chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên cương vị mới, Cụ đã không mệt mỏi tổ chức và động viên nhân dân tích cực tham gia phong trào quyên góp gạo cứu đói.
Ngày 6.1.1946, cuộc Tổng tuyển cử cả nước bầu được 333 đại biểu, Cụ được cử tri Nam Định bầu và trở thành đại biểu Quốc hội khóa I. Ngày 2.3.1946, tại kỳ họp thứ nhất, đã nhất trí bầu Cụ làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội ngày nay). Tuy Cụ giữ chức chỉ 8 tháng (từ ngày 2.3 đến 3.11.1946) nhưng đây là quãng thời gian thử thách cam go đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Chính Cụ đã cùng Chính phủ thi hành nhiều chính sách thích hợp để chăm lo công việc quốc gia và đời sống nhân dân. Ngày 6.3.1946, Cụ và các thành viên dự họp ủng hộ đường lối chính trị của Chính phủ và cùng ký vào biên bản thông qua Bản Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp.
Sau sự kiện ký Hiệp định sơ bộ, bộ máy chính quyền các cấp đã dần được hình thành và củng cố... Ngày 3.11.1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tiếp tục tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng không bộ.
Ngày 19.12.1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cụ cùng các thành viên của Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Ngày 7.10.1947, Cụ sa vào tay giặc, bị thực dân Pháp tra tấn dã man và sát hại khi sự nghiệp cách mạng còn dang dở.
Cụ Nguyễn Văn Tố đã đi vào lịch sử dân tộc với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp khoa học, nhất là khoa học xã hội nhân văn; chống nạn thất học, nâng cao dân trí. Tên tuổi của Cụ gắn liền với sự nghiệp Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ, Hội Trí tri. Cụ là một điển hình về tự học, là tấm gương mở đường cho đội ngũ nhân sĩ, trí thức đem tài năng, trí tuệ, sức lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.
HIẾU THẢO