An toàn thực phẩm: Nỗi lo về những “lỗ hổng”, “khoảng trống”
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 với nhiều hoạt động xuyên suốt từ tháng 4 - 5 là đợt cao điểm triển khai quyết liệt giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Song, cũng đồng thời bộc lộ những khoảng trống và nỗi lo an toàn thực phẩm cần tập trung giải quyết một cách căn cơ.
3 điểm nhấn đáng chú ý của Tháng hành động được ghi nhận là huy động các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tham gia bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATTP được chú trọng và tăng cường, tác động lớn đến nhận thức của chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP được triển khai 3 cấp, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.
Vẫn còn khoảng cách
Trong Tháng hành động, 176 đoàn thanh, kiểm tra đã ra quân kiểm tra 2.146 cơ sở, phát hiện và xử lý 137 cơ sở vi phạm. Những lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở được xác định là cơ sở vật chất, điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm chưa đảm bảo; nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đáng chú ý, vẫn còn tồn tại sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Với số lượng cơ sở thực phẩm rất lớn, TP Quy Nhơn là địa bàn “nóng” về nguy cơ mất ATTP. Thành phố kiểm tra 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm qua đó đã xử phạt 3 cơ sở vi phạm điều kiện về trang thiết bị dụng cụ. Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm chả tẻ, chả cá, chả thẻ ở một cơ sở thức ăn đường phố đã dương tính với hàn the. Trưởng phòng Y tế TP Quy Nhơn Đào Đô My cho hay, nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống mới mở chưa tìm hiểu về các thủ tục pháp lý về ATTP, chúng tôi vừa kiểm tra vừa tiến hành hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục pháp lý, bố trí điều kiện thực tế tại cơ sở để tiến hành đăng ký làm giấy chứng nhận cho cơ sở, đặc biệt ở 2 xã đang phát triển về du lịch là Nhơn Lý, Nhơn Hải. Nhưng không ít chủ cơ sở sản xuất dù hiểu rất rõ về trách nhiệm bảo đảm ATTP nhưng vì lợi nhuận họ bất chấp tất cả.
Còn tại TX An Nhơn, trong khoảng 990 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thì hơn 600 cơ sở thức ăn đường phố nhỏ lẻ. “Trong khi nguy cơ mất ATTP xảy ra trên nhiều chủng loại và mặt hàng lẫn với các hoạt động tinh vi cố tình vi phạm ATTP ngày càng phức tạp và khó phát hiện thì sự xuất hiện một số loại hình kinh doanh mới phát sinh gây khó khăn trong công tác quản lý, đơn cử như dịch vụ “đám cưới di động””, ông Lê Đình Tuấn, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TX An Nhơn cho hay.
Chung tay chống thực phẩm bẩn
Trao đổi cùng chúng tôi sáng 5.6, ông Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh - thẳng thắn thừa nhận những lỗ hổng, khoảng trống trong công tác quản lý nhà nước về ATTP, đặc biệt là nhân lực. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động chưa được các địa phương đầu tư thích đáng, cũng gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo liên ngành ATTP huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: Tình trạng thiếu nhân lực làm công tác quản lý ATTP ở tuyến huyện và xã trở thành khiếm khuyết lớn, kéo dài nhiều năm nay. Một số UBND cấp xã chưa phân công cán bộ làm công tác kiêm nhiệm về ATTP để thực hiện công tác tham mưu cho UBND trong quản lý ATTP. Một số xã còn “khoán trắng” công tác đảm bảo ATTP cho trạm y tế.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, chia sẻ: Do du lịch phát triển nóng đã kéo theo sự bùng nổ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, cà phê, giải khát… nhưng nhân lực quản lý thì quá mỏng, ví dụ như các phòng Kinh tế, Y tế của thành phố chỉ có 1 chuyên viên phụ trách; còn phường, xã chỉ có nhân viên kiêm nhiệm. Thiếu người cộng vào đó là sự biến động liên tục về tổ chức nên có muốn đào tạo chuyên sâu về quản lý ATTP cũng khó đảm bảo. Việc quản lý, kiểm tra giám sát tại các cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý còn bỏ ngỏ.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chi cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cũng thừa nhận, đến nay ngành Nông nghiệp vẫn chỉ có 1 cán bộ ở cấp xã kiêm nhiệm nhiều phần việc. Năm 2017, đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng ATTP nông lâm sản và thủy sản của tỉnh được phê duyệt với phương án thành lập các trạm quản lý chất lượng liên huyện, kiện toàn mạng lưới chuyên trách quản lý ATTP của ngành, nhưng đến nay đề án vẫn chưa… khởi động!
Thực tế trên đặt ra vấn đề rất bức thiết phải chấn chỉnh và tăng cường quản lý ATTP. Trong đó, nâng cao công tác truyền thông thường xuyên, liên tục, có tính hệ thống cho các cơ quan quản lý, người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm nhập lậu lưu thông trên thị trường. “Vấn đề trọng tâm là phải kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành về ATTP ở cấp huyện, xã; tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp các sở, ban, ngành, hội đoàn thể và chính quyền địa phương triển khai hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.
MAI HOÀNG