Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe... nhờ đó, tuổi thọ của người dân cũng được nâng cao.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% tổng dân số, trong đó có hơn hai triệu người trên 80 tuổi. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi đang trở thành một yêu cầu thiết yếu trong điều kiện hiện nay...
Tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang trở thành một yêu cầu thiết yếu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Tỷ lệ người cao tuổi đang tăng nhanh
Được xếp vào nhóm mười nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 17% và đến năm 2050 chiếm 25% dân số cả nước. Dân số già hóa nhanh đã tạo những áp lực rất lớn trong việc ban hành và thực thi những chính sách liên quan, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế là khoảng 96% trên tổng số người cao tuổi, cho thấy Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi.
Mặc dù tốc độ già hóa dân số gia tăng nhưng khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn hạn chế, thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi... Thực tế cho thấy, hệ thống nhà dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ thiếu về nhân lực (10 người bệnh mới có 1 nhân viên chăm sóc), cơ sở vật chất tại các trung tâm cũng nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập phục hồi chức năng. Đối với mô hình nhà dưỡng lão có thu phí do các tổ chức ngoài công lập xây dựng và vận hành, điều kiện cơ sở vật chất được bảo đảm, đủ nhân viên, hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ... nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để được chăm sóc.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay, các chế độ chính sách về người cao tuổi được Nhà nước ban hành tương đối đồng bộ; nhận thức xã hội, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền với người cao tuổi được nâng lên; nhiều địa phương, cơ sở có kinh nghiệm và cách làm tốt. Tuy nhiên, theo ông Bình, nhiều khó khăn mới xuất hiện khi phải ứng phó với tốc độ già hóa dân số tăng nhanh; vẫn còn một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm theo pháp luật đối với người cao tuổi, thiếu quan tâm chỉ đạo cụ thể. Đời sống một bộ phận người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn khó khăn...
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi
Phát biểu tại buổi làm việc gần đây với Trung ương Hội Người cao tuổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích, ngoài chăm sóc sức khỏe thì rất cần tạo lập không gian, thiết chế dành cho những hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí của người cao tuổi. Trước hết, khắc phục tình trạng chưa bố trí kinh phí và phải hoàn thành việc lập quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở các cấp theo quy định của Luật Người cao tuổi. Các địa phương phấn đấu đến hết năm 2019, đảm bảo 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám sức khỏe định kỳ, ban đầu cho người cao tuổi.
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, người cao tuổi có công lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước. Vị trí của người cao tuổi ngày được nâng cao bởi uy tín, kinh nghiệm và đóng góp cho cộng đồng, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trong tổng số trên 10 triệu người cao tuổi hiện nay, vẫn còn có bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già; một bộ phận người cao tuổi vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống; một số người già chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm. Vẫn còn người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, vấn đề xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra. Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi cho biết, hiện nay đã có những mô hình chăm sóc người cao tuổi thông qua công tác xã hội hóa nhưng chưa nhiều; vẫn còn những rào cản cho việc ra đời và hoạt động của các trung tâm chăm sóc người cao tuổi do cá nhân, tổ chức thành lập.
Để chăm sóc tốt cho người cao tuổi, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội. Đồng thời, ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước và huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm cho các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, đồng bào dân tộc ít người, người di cư.
Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên thế giới đều dựa vào các dịch vụ tư nhân, để giảm gánh nặng cho nhà nước và xã hội. Vì vậy, theo ông Ngọc, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm hoạt động và tổ chức các cơ sở chăm sóc người cao tuổi của các nước tiên tiến. Nêu việc người cao tuổi đang sống trong các cơ sở chăm sóc phải tự chi trả kinh phí do không có bảo hiểm xã hội là một trong những khó khăn không nhỏ, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức cho rằng, nhà nước cần có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân trong xã hội chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi có chất lượng, nhân rộng mô hình trong tương lai.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình, xã hội hóa hoạt động chăm sóc người là phải huy động được các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia. Nội dung xã hội hóa hoạt động chăm sóc người cao tuổi phải tuân thủ quy định của chính sách pháp luật, công tác quản lý của Nhà nước; quan tâm xây dựng nguồn lực cả về cơ sở vật chất, tài chính, đội ngũ làm công tác chăm sóc người cao tuổi, đồng thời xây dựng được các trung tâm, thiết chế chăm sóc người cao tuổi phù hợp với từng vùng, địa phương, cơ sở...
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Tin tức)