Ứng dụng mạnh mẽ CNTT khắc phục những vấn đề của du lịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này khi trả lời câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, sáng 6.6.
Theo Phó Thủ tướng, cả thế giới đều đang làm và Việt Nam phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) để phát triển mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với một đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VHTTDL lập đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu, các lĩnh vực nhằm góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Làm sao để mọi tổ chức, người dân kinh doanh du lịch có thể tự giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, địa điểm du lịch ở trên mạng. Tiếp đó thúc đẩy thanh toán điện tử, qua điện thoại di động (hiện tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, quý I/2019 đã tăng 97% số giao dịch).
Chúng ta cũng đã bắt đầu số hoá các bảo vật quốc gia, các hiện vật quý để đưa lên mạng, giới thiệu. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý tiếng nói nhằm khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên những thứ tiếng hiếm để giới thiệu các địa điểm du lịch…”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng cũng nhắc đến tầm quan trọng của môi trường không chỉ cho ngành du lịch mà cả sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhắc đến 14 nhóm tiêu chí với 90 tiêu chí cụ thể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Phó Thủ tướng cho biết chỉ tiêu bền vững về môi trường của Việt Nam đang xếp thứ 128 trên thế giới. Nhiều tiêu chí cụ thể như nước thải, mật độ bụi, độ che phủ rừng, bảo vệ đa dạng… đều rất thấp.
“Ngoài các giải pháp đột phá, chúng ta phải tích cực cải thiện những điểm đang còn yếu, trong đó có vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh. Cùng với đó, cần tiếp tục vận động nhân dân, bằng các hành vi thiết thực của mình, tham gia xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện”, Phó Thủ tướng mong muốn.
Cảnh giác trước những tour du lịch giá rẻ, miễn phí
Nói về những vụ việc lợi dụng uy tín của các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi để tổ chức tham quan giá rẻ, miễn phí với mục đích dụ dỗ, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết mỗi người dân cần cảnh giác với các chiêu bài lừa gạt.
“Bây giờ tham khảo giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ, trong đó có du lịch, đều rất thuận lợi. Người dân cần lưu ý với những tour du lịch, tham quan ‘cho không’ hay rẻ dưới mức bình thường thì cần hết sức cảnh giác.
Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể cần có hướng dẫn xuống bên dưới để không bị lợi dụng. Khi phát hiện hay là nạn nhân trong các vụ việc này, người dân cần báo ngay đến các cơ quan chức năng, và phải xử lý nghiêm từ phạt hành chính cho đến rút giấy phép kinh doanh, thậm chí đối với trường hợp tái phạm nghiêm trọng có thể xử lý hình sự theo quy định…”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cần thiết phải bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt
Về câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), Phó Thủ tướng cho rằng đây còn những khuyến nghị rất đúng của đại biểu về sự cần thiết phải có khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, chuẩn hoá các khái niệm, quan niệm về văn hoá, đạo đức, nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Phó Thủ tướng cũng thông tin thêm: Thực ra chúng ta đã có khung pháp lý với các quy định ở hiến pháp, luật, nghị định, thông tư, các quy chế, hương ước mang tính cục bộ ở cộng đồng, cơ quan. Tuy nhiên, những quy định này cần không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, sửa đổi và khi đã ban hành thì tổ chức thực hiện nghiêm túc, xử lý ngay khi có vi phạm.
“Tại kỳ họp thứ tư, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà đã kiến nghị ban hành luật về tiếng Việt. Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Nhân văn Việt Nam, Viện Ngôn ngữ nghiên cứu 10 đề tài cấp bộ về các khía cạnh khác nhau để chuẩn bị luận cứ về thời điểm xây dựng luật này. Trong quá trình biên soạn sách giáo khoa mới, Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý đến sự trong sáng của tiếng Việt ngay từ bậc mẫu giáo trở lên”, Phó Thủ tướng khẳng định và cho biết tiếp tục chỉ đạo Bộ VHTTDL, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT cùng phối hợp. Gần đây rất nhiều hoạt động được các cơ quan tổ chức nhằm bảo vệ, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Các cơ quan truyền thông đại chúng cũng đã chú ý đến vấn đề này.
Phó Thủ tướng cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng Chính phủ chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ các di sản cấp quốc gia.
Phó Thủ tướng cho biết năm 2018, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Trung ương cấp khẩn cấp 13 tỷ đồng để tu sửa một số hạng mục của một số di tích quốc gia đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng do các quy định về đầu tư công, nên sau khi lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước mắt dùng ngân sách của địa phương để tu sửa khẩn cấp, sau đó là các đề án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công để đưa vào kế hoạch trung hạn.
Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cần tiếp tục theo dõi nhằm giúp không chỉ Bà Rịa-Vũng Tàu mà các địa phương khác có di tích xuống cấp nghiêm trọng, cần xử lý gấp. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động tạm ứng ngân sách để tu sửa trước mắt các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Đình Nam (Chinhphu.vn)