Nhất trí nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung tại các dự án luật
Tại buổi thảo luận tổ chiều 6.6, các ÐBQH đơn vị tỉnh Bình Ðịnh bày tỏ sự thống nhất cao đối với các dự án Luật Chứng khoán, Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức TAND. Các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các dự án luật về căn bản phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng, quyền lợi của đối tượng được thụ hưởng.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn (người đứng) góp ý Dự án Luật Chứng khoán, Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81.
Các ĐBQH Lê Kim Toàn và Huỳnh Cao Nhất cho rằng Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) về cơ bản đã bổ sung cụ thể từng nội dung, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính pháp lý. Các nội dung quy định về tổ chức tự vệ trong DN; chế độ, chính sách và nhiệm vụ chi cho dân quân tự vệ về phụ cấp, BHXH, BHYT đối với các chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ đều rất phù hợp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy vậy, đại biểu Toàn cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần xem xét, cân nhắc vấn đề “Chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên” (quy định tại khoản 4, Điều 33).
ĐBQH tỉnh Huỳnh Cao Nhất băn khoăn về cụm từ “có phương tiện hoạt động trên biển để làm nhiệm vụ trên các vùng biển, hải đảo Việt Nam” (quy định tại khoản 4, Điều 3). “Phương tiện này sắm riêng cho tổ chức dân quân tự vệ hay gắn với ngư dân đang đi biển để thực hiện nhiệm vụ. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề này”, đại biểu Nhất nói.
Nâng vốn công ty chứng khoán lên 30 tỉ đồng là đề nghị của ĐBQH tỉnh Lê Công Nhường tại Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Theo điều tra, 82% công ty chứng khoán niêm yết trên sàn hiện có vốn trên 30 tỉ đồng. “Điều này để đảm bảo các công ty này chịu được biến động của thị trường, an toàn hơn cho nhà đầu tư”, đại biểu Nhường nói.
Nguồn lực của nước ta có hạn, trong khi có rất nhiều dự án lớn cần phải triển khai. Đại biểu Nhường đề xuất Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nên thành lập một công ty đầu tư giống như Công ty đầu vốn nhà nước của Singapore, bán cổ phiếu cho nhân dân, quy đổi những mảnh đất mà các dự án đường bộ, đường sắt đi qua thành cổ phần cho nhân dân, thu lại lợi tức nhằm huy động vốn trong dân.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24.11.2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức TAND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn thống nhất với báo cáo thẩm tra về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81 nhằm kịp thời bổ sung nguồn thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao, bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
Riêng về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Chánh án TAND tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81: “Từ nay đến ngày 1.2.2022, cho phép Chánh án TAND tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao, trong đó có từ nguồn thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”. Về nội dung này, đại biểu Lê Kim Toàn cho rằng: “Việc sửa đổi luật cho phù hợp với thực tế là điều cần thiết, song cần phải có quy định chặt chẽ. Tôi nghĩ người có thời gian giữ ngạch thẩm phán cao cấp ít nhất 36 tháng thì mới bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao”.
ĐBQH Nguyễn Phi Long thì đề nghị làm rõ nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao. Trong trường hợp nguồn dồi dào, thì phải giữ ngạch thẩm phán cao cấp ít nhất 36 tháng; trường hợp khan hiếm hơn thì giữ ngạch thẩm phán cao cấp ít nhất 30 tháng. Đại biểu Long đồng tình với ý kiến của Ủy ban Tư pháp, Chánh án TAND tối cao nên có những những giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo hoạt động của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao theo đúng quy định.
TRỌNG LỢI - NGUYỄN MUỘI