Hè về và nỗi lo đuối nước
Thời gian qua, công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em đã được triển khai tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đuối nước trẻ em vẫn là nỗi lo lớn vào dịp hè.
Triển khai các hoạt động dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước sẽ góp phần làm giảm nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ em.
- Trong ảnh: Trẻ em tham gia một lớp dạy bơi miễn phí tại huyện Tuy Phước. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Nhức nhối nạn đuối nước
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chỉ trong vòng một tuần từ cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, khiến gần 30 học sinh bị chết đuối. Trong đó có vụ đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Yên Thành (Nghệ An), khiến 5 học sinh chết đuối. Tại Bình Định, số trẻ em trên địa bàn tỉnh tử vong do tai nạn đuối nước năm 2016 là 38 trẻ, năm 2017 là 33 trẻ và năm 2018 là 24 trẻ. Bước sang năm 2019, tình hình đuối nước vẫn diễn biến phức tạp, trong 5 tháng đầu năm đã có 9 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, các trường hợp tử vong đa số do trẻ tự tìm đến vùng sông, suối, các hố sâu chơi đùa, nghịch nước mà không có sự giám sát của người lớn. Đơn cử như ngày 30.5 vừa qua, trên địa bàn khối 5, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) xảy ra 1 vụ đuối nước làm cháu L.Q.H. (5 tuổi, ở khối Hòa Lạc) và cháu N.T.K. (4 tuổi, ở khối Phú Xuân) tử vong.
Theo ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh: Thời điểm số vụ tai nạn đuối nước trẻ em gia tăng thường vào dịp hè. Qua các trường hợp trẻ em bị đuối nước, có thể xác định các nguyên nhân cơ bản như: Môi trường sống không đảm bảo an toàn; nhận thức và hiểu biết chung về tai nạn đuối nước trẻ em còn thấp; thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ của người lớn; trẻ không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước.
Cần những giải pháp căn cơ
Tháng 7.2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2342 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020. Các đơn vị: Sở LĐ-TB&XH, Y tế, GD&ĐT, VH&TT, Du lịch, TT&TT, Tài chính, CA tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đài PT-TH tỉnh và Báo Bình Định đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020. Kế hoạch có 5 nội dung hoạt động cụ thể. Trong đó sẽ tập trung truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, triển khai các hoạt động dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước…
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVÐK tỉnh): “Thời gian vàng xử lý nạn nhân bị đuối nước chỉ trong khoảng 4 phút, quá thời gian trên nạn nhân có thể chết não, tim không hồi phục được. Vì vậy, ngay khi đưa được nạn nhân lên bờ cần thực hiện cấp cứu tại chỗ. Biện pháp hồi sức cấp cứu cơ bản tại chỗ gồm súc nước, hô hấp nhân tạo (thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực) để tim đập lại, máu lưu thông, nạn nhân thở được rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế”.
Ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho biết: “Từ năm 2013 - 2018, Sở đã tổ chức 59 lớp dạy bơi miễn phí cho 1.790 trẻ em trong tỉnh. Năm 2019, Sở cũng đã hỗ trợ kinh phí cho 11 huyện, thị xã, thành phố để triển khai dạy bơi miễn phí 17 lớp cho 510 trẻ em. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn truyền thông kỹ năng phòng chống đuối nước và tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho cha mẹ, những người chăm sóc trẻ và trẻ em tại một số địa phương trong tỉnh”.
Còn ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn, bày tỏ: “Ở nông thôn, nếu trẻ biết bơi và biết cách phòng chống đuối nước thì số ca mắc và tử vong giảm rất đáng kể. Vì vậy, huyện đã tích cực kêu gọi các DN xây dựng được 2 hồ bơi đạt chuẩn để dạy bơi cho thiếu nhi. Đồng thời, sau vụ đuối nước vừa qua, huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát các khu vực sông, suối có nguy cơ để thông tin, tuyên truyền cho người dân đề phòng và yêu cầu các DN đang thi công các công trình, có các hạng mục tạo hố sâu phải có biển cảnh báo và che chắn kỹ càng”.
Trong khi đó, tại các địa phương trong tỉnh, ngoài nguồn hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH, Ban chỉ đạo hoạt động hè của các địa phương cũng dành kinh phí để mở các lớp dạy bơi, góp phần giảm thiểu nguy cơ đuối nước trẻ em tại cộng đồng. Đơn cử như TX An Nhơn, ngoài 2 lớp bơi năm 2018, năm nay sẽ có thêm 2 lớp bơi nữa từ nguồn kinh phí hoạt động hè. Đây là một nỗ lực lớn của các địa phương.
Đại tá Phạm Đình Trung, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: “Khi xảy ra đuối nước, thời gian cấp cứu được tính bằng giây, nạn nhân ngưng thở rất nhanh. Vì vậy cần tạo một môi trường an toàn, giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến đuối nước và tập trung tuyên truyền đúng trọng tâm, đúng đối tượng”.
Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm của toàn xã hội, yếu tố quan trọng nhất để giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ em vẫn là từ gia đình. Gia đình cần định hướng trẻ vào các hoạt động an toàn lành mạnh; hướng dẫn cho trẻ học bơi theo trường lớp có người quản lý và chỉ dẫn cặn kẽ để trẻ nhận biết được các nguồn nguy hiểm, có thể gây đuối nước; luôn ở cạnh trẻ đảm bảo bạn luôn nhìn thấy, nghe thấy trẻ…
HỒNG PHÚC