Phù Cát: Người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ
Nhờ sự kiên trì vận động của lực lượng chức năng, người dân huyện Phù Cát đã có ý thức tự giác hơn trong việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Người dân tự giác mang vũ khí đến giao nộp tại cơ quan CA huyện.
Trước đây, khi súng săn còn được cấp phép, Phù Cát có cả trăm trường hợp được cấp phép sử dụng. Tuy nhiên, từ sau khi Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XII) về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) đi vào cuộc sống, nhiều người dân đã tự giác giao nộp hoặc mang gửi tại CA huyện với suy nghĩ việc tự mình lưu giữ vũ khí là không đúng quy định của pháp luật. Ông Đinh Văn Thắng (xã Cát Lâm) làm nương rẫy, thi thoảng lại tranh thủ săn bắn. Khẩu súng săn được cấp giấy sử dụng đã gắn bó với ông một thời gian dài. Thế nhưng, sau nhiều cuộc họp thôn, sau những câu chuyện do các anh CA chia sẻ và xem phim tuyên truyền về những rủi ro do vũ khí tự chế gây ra, ông đã dần ý thức được việc giữ vũ khí trong nhà có nguy cơ gây hại đến tính mạng của bản thân và những người khác. Vậy nên, ông Thắng đã tự giác mang súng đến trụ sở CA huyện giao nộp. Ông chia sẻ: “Không dễ gì bỏ một đồ dùng đã gắn bó với mình cả chục năm. Nhưng nhà nước thu hồi thì mình phải giao nộp, chấp hành pháp luật và quy định chung”.
Được biết, đến nay có 80 khẩu súng săn đã cấp phép được người dân tự giác giao nộp và 9 khẩu người dân mang đến gửi tại CA huyện, nhờ vậy, Phù Cát không còn súng săn trong dân. Đáng nói, có những trường hợp trong quá trình đào móng, thi công nhà cửa, người dân phát hiện VK, VLN cũng đã tự giác giao nộp; hay có trường hợp đi làm ăn mua về sử dụng nhưng sau khi được vận động đã tự giác giao nộp. Như trường hợp của anh Trần Hồng Phương (xã Cát Trinh) vốn chạy xe đường dài, nên trong một lần lấy hàng ở cửa khẩu, anh đã bỏ ra gần 10 triệu đồng mua 1 khẩu súng săn để bắn chim. Tuy nhiên, khi về địa phương, được vận động anh cũng đã tự giác giao nộp. Anh Phương cho biết: “Số tiền 10 triệu đồng không nhỏ, nhưng tôi quyết định giao nộp khẩu súng chưa lần nào sử dụng. Tôi thấy việc tàng trữ vũ khí dưới hình thức nào cũng không đúng”.
Để người dân tự giác giao nộp vũ khí, CA huyện Phù Cát đã cử cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở, tiếp cận, vận động nhân dân bằng những việc làm cụ thể. Nhờ có cách làm phù hợp, đánh đúng tâm lý và nhận thức của người dân nên hầu hết mọi người đã tự giác chấp hành. Thậm chí, ngay sau những buổi tuyên truyền, người dân đã tự giác về nhà lấy súng giao nộp ngay vì sợ các anh CA vất vả, đi lại nhiều.
Từ đầu năm đến nay, người dân trong huyện đã tự giác giao nộp 3 khẩu súng quân dụng, 8 súng săn (súng hơi), 18 súng cồn tự chế và 1 quả mìn. Ngoài ra, qua công tác kiểm tra xử lý, cơ quan chức năng huyện Phù Cát cũng đã tiến hành kiểm tra 46 cơ sở kinh doanh sắt phế liệu, 25 cơ sở sản xuất có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; đồng thời, CA huyện tiến hành kiểm tra và yêu cầu 298 chủ cơ sở kinh doanh tạp hóa trên địa bàn huyện ký cam kết không mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo và đồ chơi nguy hiểm, bị cấm. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện 13 cơ sở mua bán nhỏ lẻ đồ chơi nguy hiểm, tịch thu tiêu hủy 330 súng và 137 kiếm nhựa.
Thượng tá Đào Thanh Bình, Phó Trưởng CA huyện Phù Cát, cho biết: “Cùng với công tác tuyên truyền, CA tiến hành khảo sát, lập danh sách số người đang sở hữu súng săn mua hợp pháp trước đây; số người làm nghề rà sắt phế liệu, đối tượng nghi vấn tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT, chủ phương tiện vận tải, tài xế ô tô chạy tuyến đường dài, số người khai thác đá xây dựng, chủ tiệm tạp hóa, đại lý sắt phế liệu…, tổ chức tuyên truyền, giáo dục riêng. Chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền gắn với công tác quản lý hành chính, có chính sách khuyến khích động viên cá nhân tố giác, tự giác giao nộp VK, VLN, CCHT”.
K.ANH