Chuyện người phụ nữ đánh… trống chầu
Từ xưa đến nay, trọng trách cầm trống chầu trong mọi buổi hát tuồng được mặc nhiên là việc của đàn ông. Vậy nhưng, vài năm gần đây lại xuất hiện một người phụ nữ đĩnh đạc cầm chầu trong các buổi hát tuồng. “Người đặc biệt” ấy là bà Lê Thị Tá - 60 tuổi, ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước.
1.
Là người sống ở thôn quê và làm nghề nông, tuy vậy, bà Lê Thị Tá không mang vẻ lam lũ, thuần phác thường thấy của người phụ nữ nông thôn. Vẻ ngoài của bà khỏe khoắn, năng động, còn tính tình thì hào sảng, dễ hòa đồng. Lần đầu tiên gặp gỡ, tiếp xúc, tôi đã rất ấn tượng với người phụ nữ rất có cá tính này. Về phần mình, bà Tá tự nhìn nhận, có vẻ như phong cách bề ngoài “ít nữ tính” lẫn tính cách mạnh mẽ của mình lại càng thích hợp với việc cầm chầu.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống mộ điệu hát tuồng, từ nhỏ bà Tá đã được ông bà, cha mẹ dắt đi xem hát. Xem riết nên đâm thuộc tuồng rồi ghiền lúc nào chẳng hay. Từ đó, các vở tuồng đồ quen thuộc bà đều nằm lòng. Ngoài mê mẩn các diễn viên, nhân vật tuồng đang biểu diễn trên sân khấu, cô bé Lê Thị Tá còn đặc biệt chú ý đến hình ảnh chiếc trống chầu và người điều khiển roi trống, bắt đầu tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng và nghệ thuật đánh trống chầu.
“Tại mỗi buổi xem hát tuồng, tôi lại lân la đến gần các bác đang đánh trống chầu để xem, học cách đánh và kết hợp với kiến thức về cầm chầu mà mình tìm hiểu. Còn về bài bản, nội dung, tuồng tích từng vở tuồng thì tôi đã được bồi đắp ít nhiều. Tôi quan niệm, biết xem tuồng, hiểu nghệ thuật tuồng và biết cách phê bình tuồng trực tiếp qua tiếng trống thì mới ngồi vào vị trí người cầm chầu, đó là cách tôn trọng nghệ sĩ lẫn bản thân mình. Có lẽ nhờ hiểu được điều này mà tôi được anh em diễn viên không chuyên lẫn khán giả đều đón nhận, tin tưởng”, bà Tá tâm sự.
2.
Trò chuyện với người phụ nữ cầm chầu này, thật bất ngờ là không một “ông bầu”, nghệ sĩ tuồng không chuyên nào mà bà không biết. Cả tỉnh có bao nhiêu đoàn tuồng không chuyên, ai làm trưởng đoàn, đào - kép chính là ai, quê quán ở đâu, thế mạnh biểu diễn của từng người…, bà đều thuộc vanh vách. Bà Tá lý giải, bao năm xem nghệ sĩ tuồng chân đất biểu diễn nên quen mặt, nhớ giọng hát, cách diễn từng người, quý và thương cái tình của họ đối với hát tuồng mà kết bạn, chia sẻ. Khi đoàn nào biểu diễn ở đâu xa chứ quanh quanh các địa phận Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, hễ rảnh thì thể nào bà Tá cũng đi xem, lúc lặng lẽ làm khán giả khi đĩnh đạc cầm chầu. Một điều nữa, bà Tá còn là một “Mạnh Thường Quân” với các đoàn tuồng không chuyên, khi cầm chầu, bà thường phóng tay thưởng rất mát!
“Ai tinh tế sẽ cảm nhận nhịp điệu trống này, sẽ thấy được đó không chỉ là sự khen ngợi mà còn là lòng hân hoan, cổ vũ, nhiệt huyết và cả sự đồng điệu của người cầm chầu với nghệ sĩ trên sân khấu”
(Lời nhận xét của NSƯT Nguyễn Gia Thiện về nghệ thuật cầm chầu của bà Lê Thị Tá)
NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, nhận xét: “Ngoài nắm chắc kiến thức đả cổ pháp, điểm nổi bật trong kỹ thuật đánh chầu của chị Tá là nghệ thuật rúng (dồn) chầu. Do biết hát tuồng nên chị chủ động điểm câu cho nghệ sĩ rất chuẩn. Khi phê bình khen, ở những đoạn cao trào, khi câu hát ngân lên rồi thả xuống hò (chủ âm) hoặc khi diễn viên thể hiện chi tiết đắt giá, tiếng trống chầu của chị Tá không chỉ vang lên “thùng thùng” từng tràng dài mà nhịp trống có sức dồn nén, dồn dập, đầy hối hả và bung tỏa, lay động. Tiếng trống đổ hồi họa theo cùng tiếng hát khiến cho cả rạp hát sôi động, cuốn hút theo tình cảm của diễn viên. Ai tinh tế sẽ cảm nhận nhịp điệu trống này, sẽ thấy được đó không chỉ là sự khen ngợi mà còn là lòng hân hoan, cổ vũ, nhiệt huyết và cả sự đồng điệu của người cầm chầu với nghệ sĩ trên sân khấu”.
Nhiều người nhận xét, bà Lê Thị Tá đánh chầu rất tự tin, không hề có “mặc cảm” mình là phụ nữ. Vốn có sức khỏe nên tiếng trống chầu của bà mạnh mẽ, hào sảng không kém gì nam giới. “Có thể nói, phụ nữ cầm chầu như chị Tá là một hiện tượng độc đáo, thú vị, có lẽ chỉ có ở mảnh đất được xem là chiếc nôi của nghệ thuật tuồng”, NSƯT Gia Thiện nhấn mạnh.
3.
Ở địa phương, bà Lê Thị Tá sống bằng tấm lòng của một người dân rất tâm huyết, tích cực tham gia công tác xã hội và các hoạt động phong trào. Anh Nguyễn Phú, cán bộ văn hóa Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước bảo rằng, bà Lê Thị Tá là hạt nhân văn nghệ năng nổ và “có nghề” của xã Phước Nghĩa nói riêng, huyện Tuy Phước nói chung. Ngoài tuồng, bà Tá còn biết hát dân ca, tham gia đóng tiểu phẩm tuyên truyền…
SAO LY