Về chủ nhân các di tích gốm cổ ở Bình Định
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều di tích gốm cổ. Song vấn đề ai là chủ nhân của các di tích này vẫn đang được các nhà khoa học thảo luận.
Có 3 luồng ý kiến, rằng: chủ nhân các lò gốm Bình Định là người Chăm (đại diện cho quan điểm này là những người khai quật Gò Sành và số đông các học giả các nước Nhật, Anh, Mỹ, New Zealand, Philippines…); người Chăm, nhưng thời điểm kết thúc của nó khoảng thế kỷ XVI-XVII; không phải là người Chăm (đại diện cho ý kiến này là một học giả lớn trong giới Khảo cổ học Việt Nam).
Trong bài “Miền Trung Việt Nam và văn hóa Chăm- một cái nhìn địa văn hóa”, học giả đại diện cho ý kiến chủ nhân các lò gốm Bình Định không phải là người Chăm đã viết: “Cái gọi là Gò Sành với nhiều lò nung (ở Bình Định) mà TS Trịnh Cao Tưởng cho là lò Chàm thế kỷ XIII-XIV (hình như có mấy học giả Nhật nói theo) là rất đáng ngờ vực. Nhiều nhà gốm sứ học Việt Nam như TS Phạm Quốc Quân, Nguyễn Quốc Hùng, Quang Văn Cậy, Hồng Kiên… cũng đồng tình với quan điểm người Chăm xưa không đắp lò, gạch, gốm, sứ”.
Gốm Gò Sành được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: B.B.Đ
Ý kiến chủ nhân của các khu lò gốm này là người Hoa là không có căn cứ lịch sử và khoa học. Vì người Hoa đến định cư ở miền Trung Việt Nam vào thế kỷ XVI-XVII. Kết quả điều tra cho thấy, người Hoa mang họ Lý có mặt đầu tiên ở Bình Định không sớm hơn thế kỷ XVII-XVIII. Hơn nữa, đồ gốm cổ Bình Định hoàn toàn khác với loại gốm nhẹ lửa, có tráng men bên ngoài, loại gốm do người Hoa sản xuất tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa (Đồng Nai)…
Với ý kiến chủ nhân các khu lò gốm này là người Việt thì nhiều người đang sống ở khu vực này cho biết, không hề nghe cha ông nói đó là di sản của tổ tiên mà là người Hời hoặc Thời - tên người Việt dùng để chỉ người Champa cổ. Hầu hết các trung tâm sản xuất gốm của người Việt đều được ghi trong thư tịch, vậy thì tại sao một trung tâm có quy mô lớn như đã biết ở Bình Định lại không thấy được ghi chép trong lịch sử.
Dù có nhiều nét tương đồng với gốm Việt Nam, nhưng gốm Champa Bình Định hoàn toàn khác gốm Việt ở tất cả phương diện: xương, dáng, men, họa tiết trang trí, vật liệu kiến trúc. Vào thời điểm này, gốm hoa lam đang giữ vai trò thống trị các lò gốm phía Bắc, nhưng tại các lò Bình Định gốm đơn sắc lại là phong cách chủ đạo. Với các lý do trên, khó có thể cho rằng chủ nhân của các lò gốm này là của người Việt.
Nếu như chủ nhân các lò gốm Bình Định không thể là người Việt và người Hoa như đã dẫn ở trên, thì chủ nhân đích thực của các khu lò gốm Bình Định không thể là ai khác ngoài cư dân bản địa trước đó - người Chăm. Ít nhất từ thế kỷ thứ X-XV vùng đất Vjaya là một vùng đất quan trọng của người Chăm. Ngoài những tư liệu về dân tộc học, văn hóa dân gian, lịch sử… tài liệu thu được từ những cuộc khai quật khảo cổ học có thể xem là tư liệu sát thực nhất, trên hai phương diện cấu trúc lò nung và sản phẩm. Cấu trúc lò gốm Gò Sành, Gò Hời và các lò tương tự ở Bình Định hoàn toàn khác với các lò phía Bắc Việt Nam. Có ý kiến cho rằng chúng thuộc trung gian giữa lò rồng và lò cóc.
Sự khác nhau về loại hình, men và nghệ thuật trang trí cũng có nhiều điểm cần nhấn mạnh. Về men, có ý kiến rằng, men nâu Bắc Việt Nam thường có màu socola đậm, còn gốm Bình Định (tiêu biểu là gốm Gò Sành) thường có màu sắc vàng nâu hoặc vàng nhạt. Về hoa văn trang trí, hoa văn chạm “lộng” xuất hiện ở nhiều nơi. Chạm “lộng” trong gốm Bình Định phổ biến là gốm tráng men.
Ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, trên thân chiếc bình gốm tráng men còn khắc một dòng chữ Chăm cổ. Ngay tại các lò Bình Định cũng đã tìm thấy những sản phẩm gốm mang đặc trưng riêng của người Chăm, văn hóa Chăm: ngói mũi lá và một số chi tiết gốm trang trí đất nung mang sắc thái Chăm rõ nét. Những chi tiết này được gắn điểm trang trí trên các vòm cửa mà ngày nay vẫn thấy, trong đó một vài hiện vật có khắc chữ Chăm cổ như hai tiêu bản trang trí vòm cửa và mỏ chim thần Garuda bằng đất nung được tìm thấy trong hố khai quật di tích tháp Bánh Ít, Gò Chùa Phước Lộc.
Tại khu lò gốm Cây Me còn tìm thấy hiện vật trang trí kiểu hình ngọn lửa hay hình đuôi phượng theo cách gọi dân gian, thu nhỏ, tráng men màu xanh lục, giống với sản phẩm gốm trang trí đất nung đã tìm thấy trong hố khai quật khu lò Gò Sành. Ngoài ra, còn tìm thấy hai mảnh khuôn in kiểu hoa văn chạm lộng theo mô típ xoắn, đặc trưng hoa văn ấy là mô típ đã thấy trên một số sản phẩm vò, chóe gốm ở lò Gò Sành, Gò Cây Me và cả trên đồ gốm xuất khẩu tìm thấy trên tàu đắm ở Pandanan Philippines.
Tư liệu tìm thấy trong con tàu đắm Pandanan và một số sưu tập ở nước ngoài khá phong phú, phổ biến loại hoa văn in khuôn hình mặt Kala, tư thế hai tay đang bắt rắn. Theo các nhà nghiên cứu, đó là mô típ có nguồn gốc Chăm được sản xuất tại Bình Định. Kala là con vật huyền thoại được người Chăm thể hiện nhiều trên các tượng, cửa tháp mà ngày nay có thể nhìn thấy trên vòm cửa tháp Dương Long, Cánh Tiên, Thủ Thiện… Với những lý do trên, có thể khẳng định về chủ nhân các lò gốm ở Gò Sành, Gò Hời và các lò gốm khác ở Bình Định là của người Champa.
Tất nhiên, những ý kiến trên mới dừng lại ở những kiến giải ban đầu, trên cơ sở những tài liệu có được, rất cần được nghiên cứu để làm sáng tỏ.
Tiến sĩ ĐINH BÁ HÒA