Bài học từ một vụ án lừa đảo
Chỉ là sinh viên mới ra trường, song Trần Thị Thúy Hậu (SN 1987, trú quận Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh) vẫn có thể “xỏ mũi” nhiều người, gom được hơn 130 tỉ đồng. Phải chăng, lòng tham quá lớn đã khiến nhiều người mờ mắt, dễ dàng sập bẫy cô gái trẻ.
Trần Thị Thúy Hậu đến cơ quan CA tự thú.
Phiên tòa xét xử bị cáo Trần Thị Thúy Hậu về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được tổ chức tại TAND tỉnh vào cuối tháng 5.2019 có rất ít người tham gia, dù rằng mức độ thiệt hại của vụ án là rất lớn. Ngoại trừ vài người thân của bị cáo, chỉ có 2 người tham dự với tư cách là bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu như ở các vụ án khác, để “gom” được hơn 130 tỉ đồng rồi chiếm đoạt hơn 54 tỉ đồng, kẻ lừa đảo phải “có máu mặt” và phải lừa đến vài chục nạn nhân. Thế nhưng, số nạn nhân của Trần Thị Thúy Hậu chỉ có 13 người; người bị lừa nhiều nhất hơn 22,5 tỉ đồng, ít nhất 886 triệu đồng.
Theo cáo trạng của vị đại diện Viện KSND tỉnh giữ quyền công tố tại phiên tòa, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2013, Trần Thị Thúy Hậu làm nhân viên điều hành tour du lịch và khai thác thị trường cho một công ty ở TP Hồ Chí Minh. Đến cuối năm 2013, Hậu nghỉ việc và kinh doanh tự do, làm dịch vụ môi giới bán vé máy bay. Do không có tiền ứng trước để mua vé máy bay nhưng muốn giữ uy tín với khách hàng nên Hậu đã vay mượn tiền của người thân, bạn bè. Sau đó, có lẽ thấy việc huy động tiền cũng dễ, Hậu nảy sinh ý định dùng thủ đoạn gian dối trả lợi nhuận cao hơn thực tế, kêu gọi nhiều người cùng góp vốn để đầu tư kinh doanh đặt vé máy bay. Do trả lợi nhuận quá cao cùng với nợ gốc, Hậu bắt đầu nợ của nhiều người với số tiền lớn mà không có khả năng thanh toán.
Không dừng lại ở đó, Hậu chuyển sang kêu gọi góp vốn đầu tư làm tour du lịch, đặt phòng khách sạn và tiếp tục chiếm được lòng tin của nhiều người, khiến họ ngày càng cho vay nhiều hơn. Cô gái này “thủ” sẵn nhiều thông tin kinh doanh, có đầy đủ nội dung, gồm: tên gói đầu tư, tổng số tiền đầu tư, thời gian thu hồi vốn ngắn với lợi nhuận hấp dẫn rồi gửi bằng tin nhắn SMS, Zalo, Facebook… để người bị hại lựa chọn. Không chỉ thế, Hậu còn giới thiệu mình là đối tác của một công ty lớn có trụ sở tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, tung tin mình có nguồn hàng “xách tay” điện thoại Iphone với số lượng lớn, giá mềm, rồi kêu gọi người khác tham gia góp vốn. Khi nạn nhân chuyển tiền, Hậu thu mua điện thoại rồi giao cho bị hại với số lượng ít, số tiền còn lại thì chiếm đoạt…
Ngoài ra, Hậu tăng cường khuếch trương uy tín cá nhân bằng cách thường xuyên tổ chức cho những người góp vốn đi du lịch trong nước cùng với mình. Hoặc nhân dịp sinh nhật họ, Hậu tặng những món quà giá trị cao, chi trả tiền khi đi mua sắm chung. Không chỉ thế, khi người thân, bạn bè của những người góp vốn có nhu cầu đi du lịch trong và ngoài nước, Hậu đều thanh toán chi phí. Đến đầu tháng 6.2017, do những chủ nợ vốn đồng loạt đòi lại tiền gốc và lợi nhuận với số lượng lớn khiến Hậu không còn cách nào xoay trở được nữa. Một tuần sau đó, những nạn nhân này “há hốc mồm” khi biết Trần Thị Thúy Hậu đã về quê ở Bình Định, đến CA huyện Tuy Phước xin tự thú về hành vi huy động tiền, sau đó không có khả năng chi trả.
MINH NGỌC