Chủ động thích ứng trong hội nhập kinh tế quốc tế
Cùng với cả nước, thời gian qua, tỉnh ta đã và đang từng bước hội nhập vào nền kinh tế quốc tế (KTQT), tạo ra sự chuyển biến toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động, các lĩnh vực KT-XH của tỉnh. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Hội nhập KTQT của tỉnh - quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết những thành tựu cơ bản mà tỉnh ta đã đạt được khi hội nhập KTQT?
+ Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2007/NQ-CP ngày 27.2.2007 của Chính phủ về Chương trình hành động sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tỉnh ta đã thực thi đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao nội lực của nền kinh tế và mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư… để đưa nền kinh tế tỉnh nhà thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa.
Riêng từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác KTQT (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Hội nhập KTQT năm 2013”, nhằm nâng cao nhận thức chuyên sâu về hội nhập KTQT, đồng thời phổ biến các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thông tin về các thị trường đối tác quan trọng của Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… và khuyến nghị cho các doanh nghiệp (DN) khi tiếp cận các thị trường trên.
Công tác xây dựng và thực hiện Chương trình Quốc gia về đào tạo tiếng Anh và các ngoại ngữ khác cũng đã được triển khai có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 39 trường tiểu học, 84 trường THCS, 27 trường THPT đủ điều kiện dạy học tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, là một trong những tỉnh có tỉ lệ giáo viên dạy ngoại ngữ đạt năng lực giảng dạy các cấp cao so với cả nước.
Công tác đối ngoại cũng được tỉnh triển khai tích cực và đạt kết quả rõ nét ở nhiều lĩnh vực. Hiện nay, hàng hóa trong tỉnh được xuất khẩu đến 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 500 triệu USD/năm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 50 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1.605 triệu USD, gồm 39 dự án 100% vốn nước ngoài và 11 dự án liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài...
- Đề nghị ông cho biết cụ thể hơn về những điểm tồn tại, hạn chế…
+ Dù đạt được nhiều kết quả, song công tác hội nhập KTQT ở tỉnh ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số sở, ngành và địa phương chưa thật sự xác định hội nhập KTQT là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, do đó việc triển khai thực hiện còn thiếu đồng bộ. Công tác cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn hạn chế, gây ách tắc trong các hoạt động đầu tư của DN, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.
Công tác quy hoạch, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch chưa theo kịp với yêu cầu phát triển. Việc xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa chưa được nhiều DN quan tâm đúng mức; số DN xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế còn ít. Đội ngũ cán bộ có trình độ lý luận, cán bộ quản lý có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai các nhiệm vụ hội nhập KTQT còn thiếu và yếu.
Tuy các chủ trương, cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn về việc thực hiện hội nhập KTQT đã được ban hành khá rộng rãi và đầy đủ, nhưng một số đơn vị, địa phương còn rất lúng túng kể cả về nhận thức và thực hiện. Quá trình hội nhập KTQT của các DN hoạt động tại tỉnh chưa thật sự sâu rộng, do quy mô DN còn hạn chế, chủ yếu là các DN có quy mô vừa và nhỏ, chưa có DN đầu đàn có đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm trong quản lý để triển khai các chương trình, dự án lớn của tỉnh. Một số DN chưa thật sự hiểu sâu về WTO và đặc điểm của từng thị trường, nhất là thị trường của các thành viên WTO…
- Để hội nhập sâu, rộng vào nền KTQT, trong thời gian đến tỉnh ta cần triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
+ Để công tác hội nhập KTQT đảm bảo tính thực chất, hiệu quả, nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, ngày 11.10 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác hội nhập KTQT của tỉnh giai đoạn 2013-2015. Theo kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương phải thường xuyên theo dõi tình hình, nắm bắt các thuận lợi, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập KTQT và chủ động đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các DN trong quá trình thực hiện các cam kết quốc tế; đồng thời phối hợp với Ủy ban Quốc gia về hợp tác KTQT thiết lập hệ thống thông tin truyền thông 2 chiều xuyên suốt, hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian đến, BCĐ Hội nhập KTQT của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập KTQT cho cán bộ chủ chốt trong các cơ quan quản lý nhà nước và các DN; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và liên kết hợp tác nhằm mở rộng thị trường, thị phần, nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các DN. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi các cam kết với WTO…
Bên cạnh đó, BCĐ Hội nhập KTQT của tỉnh cũng đã đề xuất với Ủy ban Quốc gia về Hội nhập KTQT, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tiếp tục hỗ trợ tỉnh nhiều hơn về bồi dưỡng kiến thức, các kỹ năng cần thiết…
- Xin cảm ơn ông!
NGỌC THÁI (Thực hiện)