Chống rác thải nhựa: Bắt đầu từ việc nhỏ nhất
Thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5.6), tại Tuy Phước, Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: Truyền thông về tác hại của rác thải nhựa, ra mắt mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông”, phối hợp ra quân thu gom rác thải nhựa và vận động người dân, tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni lông…
Chương trình có sự phối hợp của Sở TN&MT cùng sự tham gia tích cực của Hội LHPN thị trấn Diêu Trì, Hội LHPN xã Phước Thắng.
Trao giỏ nhựa đi chợ cho các thành viên tham gia mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông” thị trấn Diêu Trì.
Cùng quan tâm, cùng hành động
Như mong đợi của ban tổ chức, buổi truyền thông về chủ đề tác hại của rác thải nhựa đã nhận sự quan tâm sâu của đối tượng được tuyên truyền. Nhiều hội viên, đại diện một số hội, đoàn thể 2 địa phương trên đã chia sẻ sự đồng tình, nỗi lo trước thực trạng sử dụng tràn lan và ô nhiễm rác thải nhựa, mạnh dạn nêu kiến nghị xung quanh việc thực hiện “không sử dụng túi ni lông”.
Hưởng ứng phong trào phụ nữ không sử dụng túi ni lông, sáng 5.6, Hội LHPN xã Ân Tín (Hoài Ân) tổ chức chương trình “Trao làn, giỏ đi chợ”, tặng 40 giỏ nhựa cho hội viên ở 5 thôn của xã. Theo bà Nguyễn Thị Minh Thể, Chủ tịch Hội LHPN xã, hiện mô hình có 165 hội viên tham gia, đây cũng chính là lực lượng tuyên truyền viên chủ lực cho phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn xã.
Chủ đề truyền thông không mới song nhiều người không khỏi “sốc” trước những thông tin mà cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường đưa ra: Trong môi trường tự nhiên, túi ni lông tồn tại đến cả nghìn năm mới phân hủy, gây tác hại đến môi trường. Quá trình sản xuất sản phẩm này phát sinh nhiều khí thải; nếu dùng túi đựng trực tiếp thực phẩm dễ bị nhiễm độc. Lượng túi nhựa khó phân hủy tại các chợ trên địa bàn tỉnh ước tính trên 5,6 tấn/năm… Nhiều người dự bảo nhau, biết là khó song cũng phải kiên quyết thay đổi thói quen “thâm căn” này, trước hết vì sức khỏe của bản thân và gia đình, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để có thể hạn chế tối đa việc sử dụng, bước đầu người dân rất cần được hỗ trợ những sản phẩm thay thế an toàn.
Chị Nguyễn Thị Ngãi, hội viên Hội LHPN xã Phước Thắng, lo ngại: “E là việc thay bằng lá chuối, lá dong… chỉ là giải pháp nhỏ lẻ. Nhà ai trồng, chỗ nào bán thì mới có dùng, lá cũng đâu thể đựng thực phẩm dạng nước. Trong khi đó, có lẽ vì nhu cầu chưa cao nên hiện tại các loại túi, bao bì bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường chưa thấy bán ở thị trường nông thôn, chưa kể nỗi lo giá đắt khiến người dân khó tiếp cận với sản phẩm”.
Chia sẻ với nỗi lo rất chính đáng của người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Kỳ Quang cho biết, trong giai đoạn đầu triển khai phong trào, huyện vận động người dân nỗ lực thực hiện trong điều kiện của mình. Bên cạnh đó, sẽ sớm triển khai một số giải pháp như chỉ đạo ban quản lý các chợ trên địa bàn huyện tăng cường vận động tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni lông, ưu đãi cho những hộ tiểu thương thực hiện tốt, tổ chức ngày hội xách giỏ đi chợ, phát lá chuối, bì nhựa an toàn cho tiểu thương, người dân…
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, việc thay đổi một thói quen đã ăn sâu, trong điều kiện kinh tế người dân còn khó khăn, là cả một quá trình. “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2018, tuy nhiên Chi cục đã xác định vẫn theo đuổi tuyên truyền về vấn đề này trong ít nhất 5 năm...
Tranh thủ giải lao khi ra quân dọn rác tại Chợ Mới - Diêu Trì, một số thành viên mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông” thị trấn Diêu Trì thực hiện tuyên truyền cho người dân.
Vai trò của người “gác cửa”
Sau phần truyền thông, 2 mô hình “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông” tại thị trấn Diêu Trì và xã Phước Thắng đã ra mắt. Trước mắt, 2 ban chủ nhiệm sẽ tập trung vào nhiệm vụ chính và thường xuyên là tuyên truyền, chú trọng đối tượng hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bà Huỳnh Thị Sằn, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Diêu Trì, chủ nhiệm mô hình của địa phương, cho hay, chợ Diêu Trì trên địa bàn là chợ đầu mối lớn trong tỉnh, với trên 800 hộ kinh doanh. Đây cũng là thách thức và cơ hội cho môi trường địa phương. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, mô hình sẽ nỗ lực tổ chức các hoạt động “mềm” hơn như: thực hiện Mang giỏ đi chợ, Ngày cuối tuần không sử dụng túi ni lông - nhất là trong phụ nữ là đảng viên, cán bộ công chức, viên chức để nêu gương; vận động gom giấy sạch, tìm nguồn lá chuối, lá dong… để tặng cho người buôn bán nhỏ, khó khăn bán các mặt hàng khô phù hợp với việc dùng giấy, lá…
Đại đa số phụ nữ là người lo việc nội trợ trong gia đình nên được ví von là người “gác cửa” để túi ni lông không an toàn khó có cơ hội đi vào cuộc sống, sinh hoạt của gia đình mình. Với việc Tuy Phước là địa phương được chọn xây dựng 2 mô hình đầu tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Kỳ Quang tin tưởng, với đức tính kiên trì và sự ảnh hưởng, tinh thần gương mẫu, tiên phong, phụ nữ chính là “kênh” tuyên truyền, tổ chức thực hiện phù hợp nhất cho phong trào “không sử dụng túi ni lông”.
Nhân chuỗi hoạt động, bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng kêu gọi phụ nữ trong tỉnh cần hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa nhằm tiến tới không sử dụng, từ những việc làm nhỏ nhất trong đời sống, sinh hoạt, công tác, lao động hằng ngày.
SAO LY