Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú: Miệt mài cống hiến và học hỏi
Ngày 11.6 tới, Sở VH&TT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể lần thứ 2. Ða số nghệ nhân được vinh danh lần này là những gương mặt gạo cội, xuất thân từ gia đình có truyền thống, trừ một người, đó là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú.
Nghệ nhân Nguyễn Phú (ngoài cùng bên trái) tại Ngày hội VH-TT miền biển năm 2018.
So với các đàn anh, đàn chị, tuổi đời và cả tuổi nghề của Nguyễn Phú thấp hơn nhiều. Nhưng khi nhắc đến Nguyễn Phú, giới trong nghề đều tấm tắc khen anh miệt mài cống hiến và học hỏi.
Không sinh ra từ gia đình có truyền thống bài chòi, nhưng trong những năm tháng làm công tác phong trào thanh niên, Nguyễn Phú dần yêu thích loại hình nghệ thuật này. Năm 2010, được tham gia lớp tập huấn phục dựng nghệ thuật bài chòi do UBND tỉnh tổ chức, anh bén duyên để trở thành anh hiệu.
Có lẽ trong khoảng gần 10 năm tiếp xúc và hô hát bài chòi, kỷ niệm đáng nhớ nhất của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Phú là năm 2011 (xuân Tân Mão), Dự án bảo tồn Hội đánh bài chòi cổ dân gian của tỉnh Bình Định được thành lập và tổ chức lần đầu tiên tại Lễ hội Chợ Gò (Tuy Phước). Anh được tham gia với vai trò chú hiệu ở lễ hội của quê hương mình. Dù lần đầu tiên diễn xướng nhưng với năng khiếu và nét duyên sẵn có, anh được công chúng mến mộ. Dần dà cái tên Nguyễn Phú còn gắn với nhiều hội đánh bài chòi nhân các dịp lễ, hội như: Liên hoan Hội đánh Bài chòi dân gian tại Ngày hội VH-TT miền biển tỉnh Bình Định; Liên hoan CLB Bài chòi tiêu biểu tỉnh Bình Định; trình diễn bài chòi tại Hà Nội nhân Lễ hội Đống Đa Tết Nhâm Thìn; đánh bài chòi dân gian nhân Ngày hội người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh…
Điều người xem cảm thấy thu hút nhất ở nghệ nhân Nguyễn Phú là khả năng ứng đáp thông minh, duyên dáng, mới mẻ. NNƯT Nguyễn Phú tâm sự: Tôi biết bài chòi từ những vở kịch tuyên truyền khi làm công tác thanh niên, cứ thế thấm dần đến khi được học Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Minh Đức tôi mới thấm thía bài chòi hay và đẹp đến như thế nào. Đối với tôi, hội bài chòi phải có sự tương tác với khán giả, trò chuyện với khán giả chứ không phải chỉ diễn. Để không gây nhàm chán, tôi sưu tầm câu thai trong dân gian, những câu ca dao, tục ngữ, đặt thêm câu thai mới làm vốn phục vụ bà con.
“Ở những hội đánh bài chòi đã quen thuộc, người dân cũng đã biết đến mình. Do đó, người ta rất quan tâm đến anh, chị hiệu và chú tâm coi hội này có gì hay hơn hội trước. Có những cụ ông, sau hội bài chòi, họ gửi “thư” cho tôi, đôi khi đó chỉ là tờ bìa thùng giấy thôi nhưng trên đó có ghi những nhận xét quý giá, nên giúp tôi nhận ra thiếu sót để rút kinh nghiệm. Với tôi, những lời nhận xét, góp ý như thế quý giá vô ngần!”, NNƯT Nguyễn Phú bày tỏ.
Có lẽ điều mà người ta có thể dễ thấy nhất ở nghệ nhân Nguyễn Phú là sự năng nổ. Không chỉ là anh hiệu, Nguyễn Phú còn tích cực tham gia gầy dựng phong trào hô hát bài chòi tại quê hương Tuy Phước của mình. Không dừng lại ở những hội đánh bài chòi cấp huyện, anh còn mang chòi xuống xã, thôn để người dân cùng nhau làm hiệu. Anh chế ra bộ thẻ bài chòi mini để có thể sử dụng những nơi có không gian hẹp, ở những xã, thôn chưa có điều kiện sắm sửa chòi... Rồi đến những hội thi, hội diễn, tham gia đội tuyên truyền... chỉ cần được ngỏ lời, Nguyễn Phú không bao giờ vắng mặt. Từ sự miệt mài với bài chòi, ngoài những giải cao ở các cuộc thi, liên hoan trong và ngoài tỉnh, năm 2017, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định.
Trong những nghệ nhân được phong tặng lần này, Nguyễn Phú là nghệ nhân trẻ tuổi nhất. Là người coi trọng công tác truyền dạy, khi nghe tin học trò được phong tặng danh hiệu NNƯT, NNND Minh Đức vui mừng: “Tre tàn thì măng mọc, Phú có năng khiếu lại chịu khó học hỏi, khi diễn Phú thể hiện được nét riêng để người ta biết đó là anh hiệu Phú chứ không phải ai khác. Thật xứng đáng khi Phú được công nhận là NNƯT”.
THẢO KHUY