Khi đôi chân chưa mỏi...
Về hưu năm 2017, bà Phạm Thị Hữu Hạnh (57 tuổi, ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn) dành thời gian cho công tác thiện nguyện. Trong ấn tượng của rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị trấn, đó là người phụ nữ nhân hậu có chất giọng trầm ấm, cử chỉ gần gũi, nụ cười rạng rỡ.
Bà Hạnh (bìa phải) ghé thăm cháu Trực và bà Hòa.
Trên chiếc giường nhỏ - nơi thân thuộc nhất của cậu bé Đào Văn Trực (11 tuổi, bị khiếm thị, khuyết tật trí tuệ), bà Hạnh và bà Trương Thị Hòa (61 tuổi) - bà ngoại của Trực - bắt đầu câu chuyện trong không khí thân tình. Trực là một trong số các trường hợp được bà Hạnh ghé thăm mỗi tháng. Trực mồ côi cha, mẹ đi thêm bước nữa. Bà ngoại trực mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, cuộc sống của bà cháu phần nào bớt nhọc nhằn.
Dẫn chúng tôi vào một hẻm nhỏ, băng ngang qua khu vườn, bà Hạnh kể: Căn nhà nhỏ chừng 12 m2 phía trước là nơi tá túc của 3 bà cháu có hoàn cảnh đặc biệt. Hai đứa bé ở tuổi lên 4, lên 6 mồ côi cả cha và mẹ. Bà ngoại các bé, bà Võ Thị Lụa tần tảo nuôi cháu bằng nghề bán bánh bèo nóng. Những đau thương bởi việc mất con, vất vả mưu sinh làm vẻ ngoài bà Lụa còm cõi, già nua so với tuổi 64 của mình.
Bà Lụa tâm sự: “Con gái tôi mất vào những ngày cuối tháng chạp 3 năm trước do lao lực, bệnh tật. Ba bà cháu dắt nhau về quê đúng ngày 23 tháng chạp trong nước mắt. Nhờ vào sự giúp đỡ của họ hàng, địa phương, cuộc sống tạm ổn. Hội LHPN địa phương làm cho tôi một sổ tiết kiệm. Hội CTĐ cho bà cháu tôi khoảng 200 kg gạo/năm. Hàng xóm đi biển về có con cá, con tôm cũng mang cho. Rồi cô Hạnh hay lui tới. Lúc thì tặng tiền mặt, cái mền, lúc thì cái kẹo, quần áo cho mấy cháu nhỏ. Mấy đứa nhỏ thương cô Hạnh lắm. Cô Hạnh tới nhà là ríu rít, nói chuyện như người thân vậy”.
33 năm làm công tác y tế xã, bà Hạnh có cơ hội được gặp gỡ nhiều mảnh đời khó khăn. Bà bảo: “Rời công việc chuyên môn, tôi bắt tay vào việc giúp đỡ những người khó khăn. Tôi không phải là người giàu có. Nhưng không phải vì vậy mà tôi không thể làm việc tốt. Tôi góp công nấu bữa cháo cho bệnh nhân tại TTYT huyện. Tôi giới thiệu những hoàn cảnh khó khăn mà tôi biết cho nhiều người, kêu gọi mỗi người giúp một ít để người nghèo bớt khó khăn. Hai trăm, ba trăm nghìn đồng không là gì với nhiều người nhưng có ý nghĩa to lớn với người đang trong cảnh khó. Có nhiều người nói mình già rồi, nghỉ ngơi đi thôi; tôi bảo: chân còn chưa mỏi, mình vẫn cứ đi”.
Bà Hạnh tự nhận: Việc mình làm còn nhỏ lắm so với rất nhiều người. Nhưng tôi tin, khi tất cả mọi người đều bắt tay làm những “việc nhỏ” như bà, cuộc sống thêm đẹp, thêm ấm áp!
NGUYỄN MUỘI