Tây Sơn: Chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư
Gần đây, việc thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Tây Sơn có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ðây là kết quả của sự kiên trì trong mời gọi đầu tư cùng với các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, sự đồng hành của chính quyền địa phương.
Đến nay, 12 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 320 ha ở Tây Sơn đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện và thu hút hàng trăm DN vào sản xuất, kinh doanh. Một số CCN hoạt động hiệu quả, có tỉ lệ lấp đầy cao như: CCN Cầu 16 (xã Tây Thuận), CCN Phú An (xã Tây Xuân), CCN Bình Nghi (xã Bình Nghi), CCN Hóc Bợm (xã Bình Nghi), CCN Gò Cầy (xã Bình Thành)… Riêng năm 2018 và 6 tháng đầu năm nay, huyện đã thu hút được 20 dự án đăng ký đầu tư vào các CCN, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng; trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Một DN đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh tại CCN Cầu Nước Xanh (Tây Sơn).
Ông Võ Văn Dũng, Trưởng Ban quản lý các CCN huyện Tây Sơn, cho biết: Tranh thủ lợi thế có tuyến QL 19 và QL 19B đi qua, là cửa ngõ ra vào các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, địa phương đã tập trung quy hoạch các điểm, CCN dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng tại các CCN để thu hút đầu tư. Riêng từ năm 2018 đến nay, huyện đã xây dựng hoàn thiện 4 tuyến đường trục chính vào các CCN Hóc Bợm, Trường Định, Rẫy Ông Thơ, Tây Xuân với tổng chiều dài 3,4 km. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 3 tỉ đồng (bằng xi măng), còn lại là vốn đối ứng của huyện trên 2,3 tỉ đồng và đóng góp của DN đang hoạt động tại các CCN cũng như chính quyền các địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống điện phục vụ sản xuất, hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư khi đến xây dựng nhà máy tại các CCN.
Năm 2018 và 6 tháng đầu năm nay, huyện đã thu hút được 20 dự án đăng ký đầu tư vào các CCN, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng; trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Điểm chú ý là trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Tây Sơn không chỉ tập trung thu hút các nhà đầu tư nội địa, mà còn chú trọng hướng đến các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu... CCN Phú An (Tây Xuân) đã thu hút dự án nhà máy may mặc công nghiệp ABLE do Công ty ABLE (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, vốn đăng ký 2,6 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Hiện, các phân xưởng sản xuất và dây chuyền may mặc đang được nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành để đi vào hoạt động trong tháng 9 tới. Ngoài ra, huyện cũng thu hút được nhiều dự án tạo ra nhiều việc làm như: chế biến gỗ, lâm sản, sản xuất cơ khí, may mặc, chế biến nông sản...
Dây chuyền sản xuất đá mỹ nghệ của một DN tại CCN Phú An.
Ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, cho hay: Trên địa bàn xã hiện có CCN Hóc Bợm với diện tích gần 38 ha đã thu hút 35 DN vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động tại địa phương. Nếu trước đây, CCN này chủ yếu là nơi tập trung của các lò gạch ngói thủ công thì nay phần lớn đã chuyển sang sản xuất gạch tuy-nen, chế biến nông, lâm sản, cơ khí… Với sự hỗ trợ của huyện, xã đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư đúc bê tông tuyến đường dẫn từ QL 19 vào đến CCN Hóc Bợm. Cùng với đó, xã đã phối hợp với Ban quản lý CCN huyện, các đơn vị chức năng đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước, lưới điện…, đảm bảo cho các DN hoạt động hiệu quả.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, ông Đỗ Văn Sỹ, năm 2019, huyện đề ra chỉ tiêu tăng trưởng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hơn 10%. Những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư thời gian qua là tiền đề quan trọng để tạo nên làn sóng đầu tư vào các CCN trong năm nay và các năm tiếp theo. “Huyện cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời sẽ tập trung hỗ trợ DN giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn huyện”, ông Sỹ nhấn mạnh.
N. HÂN