Nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng nông sản
Nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hình thành vùng sản xuất chuyên canh
Nhu cầu sử dụng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng cao, đó là cơ sở để nhiều hộ dân ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước duy trì và phát triển vùng chuyên sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP sau khi giai đoạn 1 của Dự án sinh kế nông thôn bền vững kết thúc.
Nông dân thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước chăm sóc rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Đồng Thị Tuyết Nhung, nông dân sản xuất RAT ở thôn Luật Chánh, bộc bạch: Gia đình tôi có 2 sào đất màu, theo tư vấn của Dự án, tôi sản xuất nhiều loại rau khác nhau và luân chuyển liên tục. Có thời điểm tôi sử dụng 1 khoảnh đất trồng ngò, những khoảnh khác trồng rau muống, cải xanh, cải ngọt; lúc trồng khổ qua, dưa leo, đậu bắp, đậu que... Tạo ra nhiều sản phẩm RAT cùng lúc, vừa đáp ứng được yêu cầu đa dạng của người mua, vừa đỡ lo dội chợ, thu nhập lại đảm bảo.
Cánh đồng sản xuất RAT diện tích 5,6 ha tại thôn Luật Chánh hiện thuộc quyền sở hữu của 102 hộ dân là thành viên của HTXNN Phước Hiệp. Sản phẩm làm ra được HTXNN Phước Hiệp sơ chế, đóng gói và cung ứng cho các siêu thị, nhà hàng theo hợp đồng. Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTXNN Phước Hiệp, cho biết: 5 tháng đầu năm 2019, chúng tôi cung cấp cho các siêu thị, các chợ và một số khu du lịch trong tỉnh 64 tấn RAT các loại, doanh thu trên 800 triệu đồng. Sản phẩm của chúng tôi được bán với giá cao hơn từ 10 - 15% so với rau cùng loại sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Rau an toàn của nông dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh được bày bán tại Siêu thị Big C Quy Nhơn.
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), ngoài những vùng sản xuất RAT ở Phước Hiệp (Tuy Phước), khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn); gần đây còn có thêm nhiều vùng sản xuất mới ở phường Nhơn Hưng, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn và xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Cùng với đó, nhiều địa phương đã xây dựng các cánh đồng lớn (CĐL) sản xuất lúa giống; hình thành một số liên kết chuỗi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng TX An Nhơn và huyện Tuy Phước - 2 địa phương có thế mạnh về trồng lúa, hiện đã có 18 HTX đã liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống với các DN, góp phần tăng sự gắn kết giữa thành viên với HTX; nông dân được hưởng lợi nhuận tăng thêm 25%, HTX hưởng lợi nhuận 5%.
Hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất
Tỉnh ta đang khuyến khích và hỗ trợ người dân xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, luân canh các loại cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư thâm canh, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và thực hiện các liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Theo chính sách của tỉnh, DN tham gia xây dựng CĐL sẽ được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất. DN cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí để tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng. Tổ chức đại diện nông dân tham gia CĐL được tỉnh hỗ trợ chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ chung cho các thành viên…
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: “Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phổ biến và cụ thể hóa chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL theo Quyết định số 20/2015 của UBND tỉnh; hướng dẫn các DN, HTX xây dựng dự án hoặc phương án sản xuất, phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các cấp thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Bên cạnh đó tổ chức tập huấn cho cán bộ HTX về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất; kiểm tra, giám sát, định kỳ việc thực hiện các dự án hoặc phương án của các đơn vị. Sở NN&PTNT cũng sẽ thường xuyên kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở phát triển sản xuất kinh doanh.
PHẠM TIẾN SỸ