Ðừng tước đi quyền lợi được tiêm chủng của trẻ
Dịch sởi ở trẻ em có dấu hiệu bùng phát, bệnh ho gà xuất hiện trở lại sau nhiều năm vắng bóng… Ngành Y tế cảnh báo sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm do việc trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vắc-xin chương trình tiêm chủng mở rộng, thậm chí từ chối tiêm vắc-xin.
Trẻ mắc bệnh do chưa tiêm vắc-xin
Bé Đ.T.K.L (SN 2018, ở xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) lên cơn sốt kèm theo nổi các nốt đỏ li ti trên mặt. Ban đầu, bé chỉ sốt nhẹ nhưng hôm sau thì nhiệt độ cơ thể tăng cao. Bé được đưa vào TTYT huyện điều trị với các triệu chứng sốt, phát ban, ho, chảy nước mũi và viêm kết mạc mắt. Kết quả xét nghiệm xác định bé mắc bệnh sởi. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện cháu bé chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ tại huyện Tây Sơn.
Theo bác sĩ Huỳnh Vĩnh Thu, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2018 Bình Định ghi nhận 16 trẻ dương tính với bệnh sởi; đến đầu năm 2019 tiếp tục ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh này. Đặc biệt, sau 14 năm vắng bóng, bệnh ho gà ở trẻ cũng xuất hiện với 3 ca mắc bệnh tại các huyện Phù Cát, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn. Số ca bệnh chưa tăng mạnh như một số tỉnh khác, nhưng đáng lo ngại cả 14 trẻ mắc bệnh sởi, ho gà đều có điểm chung là chưa hề được tiêm chủng vắc-xin, hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) cũng cho hay, sởi và ho gà đều là những bệnh nhiễm trùng cấp tính rất hay gặp ở trẻ em. Bệnh diễn biến kéo dài và biến chứng rất nặng. Trẻ mắc bệnh không được điều trị kịp thời và tích cực có thể dẫn đến tử vong, hoặc để lại di chứng nặng nề. Đáng tiếc đây là những bệnh có thể chủ động phòng ngừa rất hiệu quả bằng vắc-xin.
Quyền lợi của tất cả trẻ em
Chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm các loại vắc-xin phòng ngừa 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ. Năm 2019, Bình Định có khoảng 25.000 trẻ dưới 1 tuổi phải tiêm chủng các vắc-xin tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, tính đến tháng 5.2019, số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ mới đạt 22,9%; riêng vắc-xin ComBE Five chỉ 19,4%.
“Tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ trung bình mới đạt 5,7%/tháng, riêng vắc-xin ComBE Five mới đạt khoảng 4,9%/tháng - thấp hơn nhiều các năm trước. Sự lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng của cộng đồng, đặc biệt với vắc-xin ComBE Five không chỉ làm giảm tỉ lệ tiêm vắc-xin ComBE Five mà còn ảnh hưởng các loại vắc-xin khác, dẫn đến nguy cơ các bệnh truyền nhiễm quay trở lại”, bác sĩ Huỳnh Vĩnh Thu lo lắng.
Trước nguy cơ này, Sở Y tế triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho hơn 20.000 trẻ từ 1 - 5 tuổi ở các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát; chiến dịch uống bổ sung vắc-xin phòng bệnh bại liệt cho trẻ 1 - 5 tuổi ở các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khẳng định: Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động hữu hiệu nhất. Khi tỉ lệ tiêm chủng tụt giảm mạnh sẽ dẫn đến sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm, thậm chí là bùng phát dịch nghiêm trọng. Bản chất của vắc-xin là kháng nguyên nên có một tỉ lệ nhỏ có các phản ứng không mong muốn - đây là điều lo ngại của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, rủi ro khi tiêm chủng thấp hơn rất nhiều so với nguy cơ trẻ mắc bệnh, biến chứng và tử vong do bệnh. Quan trọng là cha mẹ trẻ phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế để đảm bảo ngăn ngừa rủi ro, phát hiện, xử trí tốt phản ứng xảy ra. Tiêm chủng mở rộng là quyền lợi mà tất cả trẻ đều có quyền được hưởng. Hiện nay, các bệnh trong tiêm chủng mở rộng có xu hướng tăng mạnh ở nhiều quốc gia, nhiều địa phương, nguy cơ trẻ bị mắc bệnh rất cao nên việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ là tối cần thiết.
MAI HOÀNG