Ðề phòng viêm da do nắng nóng gay gắt
Nắng nóng gay gắt khiến nhiều người mắc bệnh viêm da do tiếp xúc ánh mặt trời, để lại những hậu quả không ngờ, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới ung thư da. Năm 2018, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa điều trị 152 bệnh nhân mắc bệnh da do ánh sáng, bức xạ tia cực tím. Riêng năm 2019, số bệnh nhân dạng này tăng mạnh ngay những tháng đầu năm với hơn 70 người buộc phải nhập viện.
Bệnh nhân viêm da do ánh sáng được điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Một tuần trước, bệnh nhân H.L.N.H (TX An Nhơn) đến Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa với mu bàn tay đỏ, phồng rộp và chuyển màu sạm đen. Kết quả kiểm tra, xét nghiệm và soi da xác định bệnh nhân mắc bệnh viêm da do bức xạ tia cực tím. Cũng điều trị bệnh viêm da ánh sáng mặt trời, nhưng nguyên nhân gây bệnh của bệnh nhân P.T.N (huyện Hoài Nhơn) lại do… chanh: “Sáng đó tôi làm nước chanh, vội đi nên rửa tay không sạch, đến đầu giờ chiều thì mu bàn tay xuất hiện các đốm đen sạm da. Đi khám tôi mới biết là mình mắc bệnh viêm da do ánh sáng mặt trời”.
Theo TS Nguyễn Thế Toàn (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa), có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh viêm da do tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Nguyên nhân bên ngoài là do mỗi người có mức cảm nhiễm, cảm ứng ánh sáng khác nhau. Có trường hợp dùng kháng sinh bôi ngoài da, khi ra ánh sáng mặt trời thì da bị sạm. Nhưng không ít trường hợp do tiếp xúc với một số hoạt chất có trong rau củ quả (chanh, cần tây, hành tây) mà quên rửa sạch trước khi ra nắng. Đáng chú ý là việc sử dụng mỹ phẩm, kem chống nắng sai cách, hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc gây ra sạm da do ánh nắng. Với nguyên nhân gây bệnh từ bên trong được xác định ở những bệnh nhân có sẵn bệnh lupus ban đỏ, thiếu vitamin B1, thiếu vitamin PP…
Các bác sĩ da liễu cho hay, tia tử ngoại từ ánh nắng gay gắt của mặt trời có thể làm hại những tế bào da, dẫn đến cháy da, ung thư da. Nếu tiếp xúc với ánh sáng thường xuyên, liên tục, kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da, đặc biệt là ung thư tế bào đáy.
“Khi phải ra ngoài lúc trời nắng nóng, nên mặc đồ chống nắng, chọn màu trắng hoặc màu dịu, không nên mặc các màu có khả năng hấp thụ nhiệt mạnh như màu đen, màu sẫm, màu đỏ; mang đủ mũ nón, kính râm… Uống đủ nước; hạn chế ra ngoài nắng nóng trong khung thời gian từ 10 giờ - 14 giờ. Trường hợp dùng kem chống nắng thì phải dùng đủ liều với SPF >30”, TS Toàn khuyến cáo.
HOÀNG ANH