Ðảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng
Nhằm nâng cao hiệu quả nghề khai thác cá ngừ đại dương, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) xây dựng Ðề án cấp hạn ngạch nghề khai thác cá ngừ đại dương để trình Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện. Bên lề Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm (2014 - 2019) thực hiện Ðề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 8.6 tại TP Quy Nhơn, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - đã dành cho PV Báo Bình Ðịnh một cuộc trao đổi.
* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả sau 5 năm triển khai Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi” tại tỉnh Bình Định?
- Cùng với tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định là tỉnh điểm trong thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương (CNĐD) theo chuỗi” của Bộ NN&PTNT. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý, ngư dân và DN ở địa phương trong quá trình triển khai đề án.
Tỉnh Bình Định đã thành lập chuỗi khai thác CNĐD theo công nghệ Nhật Bản; chuỗi khai thác tiêu thụ CNĐD của các tàu lưới vây; chuỗi liên kết giữa chủ tàu - DN - cơ sở mua gom CNĐD. Qua đó giúp ngư dân tiếp cận công nghệ tiên tiến trong đánh bắt, bảo quản, tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kết quả này cũng góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu CNĐD của nước ta đạt từ 6 - 7,7%/năm giai đoạn 2014 - 2018; sản lượng tăng từ 140 nghìn tấn (năm 2014) lên 170 nghìn tấn (năm 2018). Hiện sản phẩm CNĐD của Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tàu khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân Hoài Nhơn cập cảng cá Tam Quan bán sản phẩm.
* Vậy theo ông, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án này, tỉnh Bình Định nên triển khai thêm những giải pháp nào?
- Do Ủy ban châu Âu đang cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam nên nghề khai thác CNĐD với 20% sản phẩm xuất khẩu hướng vào thị trường châu Âu cũng bị ảnh hưởng. Giống như các địa phương khác, nghề khai thác CNĐD ở Bình Định vẫn còn mang tính truyền thống, quy mô sản xuất manh mún, thiếu tính bền vững, hiệu quả chưa cao; công nghệ chế biến, sơ chế, bảo quản chưa tiên tiến nên giá trị sản phẩm chưa tương ứng với tiềm năng…
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục khắc phục các nhược điểm này, tỉnh Bình Định nên tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân chủ động tham gia chuỗi sản xuất - kinh doanh, DN phát huy vai trò trung tâm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên để phát triển chuỗi liên kết. Trên cơ sở Đề án đã triển khai, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ ngư dân, DN phát triển chuỗi liên kết, tìm kiếm thị trường xuất khẩu phát triển ngành hàng cá ngừ.
* Đội tàu đánh bắt xa bờ tăng nhanh, cường độ khai thác cao sẽ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản nói chung và sản lượng CNĐD nói riêng. Ngành Thủy sản có những giải pháp gì để nghề này có thể phát triển bền vững, thưa ông?
- Thực tế hiện nay, các địa phương mới chỉ tập trung đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, mà chưa đào tạo ngư dân, mặc dù các chính sách phát triển nguồn nhân lực nghề cá đã được Nhà nước ban hành từ lâu. Vì vậy, các địa phương nên đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân tham gia các lớp tập huấn, tổ chức đào tạo để nâng cao năng lực đáp ứng định hướng phát triển nghề biển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Bộ NN&PTNT đã có quyết định cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho các tỉnh, thành ven biển theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Chúng tôi cũng đã xây dựng Đề án triển khai thí điểm cấp hạn ngạch khai thác CNĐD trình Bộ NN&PTNT phê duyệt thực hiện và sẽ triển khai áp dụng thí điểm tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, nhằm đảm bảo việc khai thác CNĐD bền vững, duy trì sinh kế lâu dài cho ngư dân.
Giai đoạn đầu áp dụng cấp hạn ngạch khai thác CNĐD, có thể ngư dân sẽ phản ứng, bởi lâu nay bà con đã quen với cách khai thác thủy sản truyền thống. Nhà nước quản lý theo hạn ngạch là đảm bảo lợi ích của chính ngư dân, thế nên ngư dân cần phải hiểu rõ việc cấp hạn ngạch khai thác CNĐD để bảo tồn, khai thác hợp lý nguồn lợi, ổn định đời sống cho bà con sau này.
* Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)