Phát triển nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn
Bài 1: Tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động
Những năm qua, việc quá nhiều cơ quan xin giấy phép xuất bản báo, tạp chí đã khiến cho toàn cảnh báo chí ở Việt Nam có phần trở nên lộn xộn, chồng chéo. Ðáng lo ngại là trong khi số lượng ấn phẩm báo chí gia tăng thì chất lượng lại có biểu hiện sa sút, đặc biệt là hiện tượng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị trường,... trở nên khá phổ biến. Trong bối cảnh đó, việc quy hoạch phát triển, quản lý báo chí đã và đang trở nên rất cấp thiết.
Năm 2016, đề cập các hạn chế của báo chí Việt Nam, Báo cáo Chính trị tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng chỉ rõ: báo chí còn “phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, xây dựng con người”, và khẳng định: “Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên in-tơ-nét để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”. Ðây vừa là tư tưởng chỉ đạo, vừa là cơ sở lý luận - thực tiễn cho sự phát triển báo chí Việt Nam, vì để có thể phát triển, báo chí phải sớm khắc phục các hạn chế đang tồn tại, tổ chức có hệ thống, bảo đảm tính chuyên nghiệp, trung thực, sáng tạo, nhân văn, có ý thức trách nhiệm, phát huy tính tích cực xã hội, coi các nhu cầu lành mạnh của xã hội là mục đích phục vụ...
Ðể việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí sớm triển khai, năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) đã phổ biến Ðề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tới các cơ quan báo chí, các bộ, ngành liên quan, kết hợp tiến hành thí điểm tại một số cơ quan, địa phương, để trên cơ sở này Ðề án được điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Và ngày 2-4-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quy hoạch) với mục tiêu: “Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới”. Như vậy, quy hoạch phát triển, quản lý báo chí là kết quả của một quá trình khảo sát toàn diện thực trạng báo chí, tổ chức thực nghiệm, đặt trong quan hệ chặt chẽ với các yêu cầu của xã hội, với lộ trình thời gian hợp lý,... để phân tích, đánh giá một cách cẩn trọng, từ đó đề xuất một phương án tối ưu hoàn thiện Quy hoạch.
Ðến tháng 11-2018, số cơ quan báo chí từ trung ương tới địa phương trên cả nước gồm 844 cơ quan báo in (184 báo, 660 tạp chí), 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 67 đài phát thanh, truyền hình; số nhà báo được cấp Thẻ phóng viên là 19.166 người, số hội viên Hội Nhà báo là 23.893 người. Tuy đông về số lượng nhưng phải nói rằng chất lượng một số báo chí, cũng như trình độ nghiệp vụ của một số nhà báo đang có những vấn đề khiến dư luận lo ngại. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những bất cập trong hoạt động chuyên môn và công tác quản lý tại nhiều cơ quan báo chí đòi hỏi sớm được tháo gỡ. Các hạn chế này đã được thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 28-12-2018 tại Hà Nội. Ðó là: tình trạng một số báo, tạp chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời thực tiễn đời sống; đưa thông tin một chiều, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, trái thuần phong mỹ tục; một số cơ quan báo chí và phóng viên có biểu hiện trục lợi, vi phạm đạo đức nghề báo... Ðây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sai phạm trong lĩnh vực báo chí có chiều hướng gia tăng, làm xói mòn niềm tin vào người làm báo và một số cơ quan truyền thông.
Việc xuất hiện quá nhiều báo, tạp chí và ấn phẩm phụ cho thấy sự bất cập trong quản lý, cũng như quy hoạch báo chí. Liệu có nên tiếp tục tồn tại các ấn phẩm mà số phát hành chỉ từ 1.000 - 2.000 bản, thậm chí vài trăm bản. Liệu có nên tồn tại quá nhiều ấn phẩm phụ, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả, mà trong số đó có một số ấn phẩm đã được cơ quan chủ quản gần như khoán trắng hoặc buông lỏng để “đầu nậu” thao túng? Những ấn phẩm dạng này nội dung thường na ná nhau bởi được dựng lên từ chung một công thức, dù thuộc cơ quan chủ quản nào thì tên gọi các ấn phẩm đó thường kết hợp các yếu tố “đời sống, tuổi trẻ, hôn nhân”... với pháp luật, đăng tải tràn lan tin vụ án, hoặc chạy theo scandal (vụ bê bối)... Lợi nhuận là mối quan tâm hàng đầu của các ấn phẩm này, vì thế nếu không đạt được hiệu quả kinh tế, một số tờ sẵn sàng bỏ rơi bạn đọc, rút khỏi thị trường. Ðáng lo ngại là trong khi chạy theo sự hiếu kỳ của một bộ phận công chúng, các sản phẩm báo chí như vậy còn vẽ nên bức tranh ảm đạm về xã hội và con người, gây hoang mang, lo lắng, làm hao hụt niềm tin vào những điều tốt đẹp vẫn hiện diện hằng ngày. Chưa kể, khi không giữ được chuẩn mực, chất lượng và bị thị trường hóa, báo chí sẽ tự đánh mất vị thế và uy tín. Ðiều đó lý giải tại sao có tờ báo từng là thương hiệu uy tín một thời nhưng đến nay không còn được độc giả tìm đọc, số lượng phát hành sụt giảm, thậm chí bên bờ vực phá sản, không còn tiền trả nhuận bút và lương phóng viên. Rõ ràng hệ thống báo chí đang đòi hỏi phải có sự sắp xếp tinh gọn, tránh chồng chéo, dẹp bỏ tình trạng “đầu nậu” tư nhân thao túng báo chí. Chỉ bằng cách đó mới giúp báo chí củng cố được vị thế, uy tín của mình trong lòng độc giả.
Bản Quy hoạch vừa được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức sắp xếp lại hệ thống báo chí thuộc phạm vi mình quản lý. Việc thu gọn các đầu báo, tạp chí là điều kiện thuận lợi giúp các cơ quan, tổ chức tinh gọn đội ngũ cán bộ, phóng viên, tuyển chọn người có phẩm chất, năng lực phù hợp, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng ấn phẩm báo chí.
Đến nay, tại nhiều cơ quan, tổ chức, việc sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cũng như hệ thống báo chí theo Quy hoạch đang được tích cực triển khai. Các chuyển biến và kết quả bước đầu tại nhiều cơ quan chủ quản báo chí cho thấy yếu tố quan trọng nhất đối với ấn phẩm báo chí chính là phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, không ngừng cải tiến tổ chức, nâng cao chất lượng nội dung. Chất lượng và hiệu quả ấn phẩm luôn là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại, phát triển của báo chí, củng cố sự tin cậy của độc giả. Hiển nhiên, với một hệ thống báo chí chồng chéo, dàn trải, thì điều này sẽ khó có thể thực hiện.
(Còn nữa)
Theo ÐÔNG Á VÀ QUANG HÀ (nhandan.com.vn)