Mặt trận kiến nghị áp dụng hình thức toàn dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND các cấp
Ngày 11.6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội thảo MTTQ Việt Nam với việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013.
Quang cảnh hội thảo.
Điều 9 của Hiến pháp quy định rõ vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam: MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Cần hạn chế cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Qua 5 năm triển khai thực hiện các quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của Hiến pháp 2013, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận được trên 22.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của công dân. Đã triển khai 12 chương trình giám sát cấp trung ương về các nội dung quan trọng như việc thực hiện chính sách với người có công; đổi mới giáo dục; quản lý, sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Cùng với đó, mặt trận các cấp đã giám sát được hơn 492.000 cuộc. Mặt trận các cấp cũng đã tổ chức gần 83.0000 cuộc phản biện xã hội. Dù đây là hoạt động mới và khó nhưng hoạt động giám sát và phản biện của mặt trận đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân.
Từ thực tế hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước.
Cụ thể, cần quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu, giải trình các ý kiến giám sát, phản biện, phản ảnh kiến nghị nhân dân của MTTQ Việt Nam. Đưa quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội thành khâu bắt buộc trong quy trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trước khi Quốc hội thông qua.
Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế dân chủ trong các cuộc bầu cử, có chế độ khuyến khích những người có đức, có tài ra ứng cử. Hạn chế cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tiếp tục mở rộng quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở, áp dụng hình thức toàn dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND các cấp.
Mặt trận, nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước
Phát biểu tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều đồng tình với kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đó là Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành một số luật như Luật Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Luật Dân chủ ở cơ sở, Luật Biểu tình, Luật Đình công, Luật về Hội, Luật về tự quản ở cộng đồng dân cư..
Đặc biệt, các ĐB đều cho rằng, cần đẩy mạnh chức năng giám sát, phản biện xã hội của mặt trận, vì đó là vấn đề rất cơ bản của Mặt trận, chính là tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước.
“Mặt trận có chức năng giám sát và phản biện, đó là cơ chế quan trọng để tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước. Công tác này cần được thay đổi về chất, không còn mang tính hình thức. Mặt trận cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ để kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về biểu tình, Luật về Hội để có thiết chế phát huy dân chủ của người dân”, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam nói.
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, kiểm soát quyền lực nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 2013 đã đặt nền móng cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước. Đây là cơ chế do những cá nhân và tổ chức không phải là nhà nước tiến hành kiểm soát quyền lực nhà nước, hay còn gọi là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước do những chủ thể bên ngoài nhà nước tiến hành.
“Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực đến nay, cơ chế nói trên từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên nhìn chung cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước chưa đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đấu tranh phòng chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước mà trước hết là các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng chưa được đẩy lùi”, GS Trần Ngọc Đường nói.
Cụ thể, dù Luật MTTQ Việt Nam đã quy định khá rõ ràng minh bạch, thẩm quyền, quy trình thủ tục của Mặt trận các cấp trong giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, Luật MTTQ Việt Nam mới chỉ quy định chủ thể giám sát, phản biện là tổ chức (mặt trận các cấp) mà chưa có giám sát, phản biện của cá nhân, nhất là những cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo….
Ngoài Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, các đạo Luật thể chế hóa về quyền dân chủ trực tiếp như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật báo chí… đều chưa thể chế các quyền dân chủ trực tiếp của công dân như là một phương tiện để kiểm soát quyền lực nhà nước.
“Một số quyền dân chủ trực tiếp Hiến định của công dân chưa được thể chế hóa thành Luật như công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước; cử tri có quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân... Vì thế, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước chưa phát huy đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình”, ông nói.
“Cho đến nay ở nước ta, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước chưa được xây dựng đầy đủ, có hiệu lực và hiệu quả, nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước còn rất hạn chế. Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực 5 năm nay, nhưng những cơ sở Hiến định cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước chưa thực sự phát huy vai trò”, GS Trần Ngọc Đường phân tích.
Theo PHAN THẢO (SGGP)