Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú: Hỗ trợ và tạo động lực cho các nghệ nhân
Sáng 11.6, Sở VH&TT đã tổ chức trang trọng Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai - 2019. Bên cạnh niềm vinh dự và hạnh phúc khi được ghi nhận, không ít nghệ nhân đã chia sẻ những nỗi niềm, trăn trở.
Cung bậc cảm xúc ngày vinh danh
Có 8 trong tổng số 9 nghệ nhân đã đến dự buổi Lễ trao tặng danh hiệu được tổ chức ở hội trường Sở VH&TT. Người không bao giờ còn có thể góp mặt là cố nghệ nhân Phan Chí Thành (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát), đã mất cách đây gần hai năm. Được mời đến dự lễ và nhận truy tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND) cho ông ngoại Phan Chí Thành, anh Phan Văn Tiên xúc động bày tỏ: “Cảm ơn Nhà nước vẫn quan tâm truy tặng danh hiệu cho ông.Tôi sẽ đem chứng nhận danh hiệu này về làng để mọi người cùng chia vui, có thêm ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình...”.
NNND Minh Đức và NNƯT Nguyễn Phú biểu diễn bài chòi tại Lễ trao tặng danh hiệu sáng 11.6.
Tại buổi lễ, khi NNND Nguyễn Thị Đức (nghệ danh Minh Đức, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát) cùng Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Phú (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) biểu diễn một tiết mục bài chòi, NNND Lê Thị Đào (nghệ danh Minh Trạng, ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) ngồi dưới thỉnh thoảng lại hưởng ứng đưa tay múa như đang trình diễn một trích đoạn bài chòi.
Người con trai đi cùng, đưa cụ Lê Thị Đào đến dự lễ là anh Nguyễn Thanh Hòa chia sẻ: “Mẹ tôi đã 94 tuổi, ngày càng sút giảm trí nhớ và lẫn nặng hơn, không còn nhận ra nhiều người quen trước đây. Đến dự lễ thấy đông người nên bà vui vậy thôi, chứ cũng không biết là việc gì. Ngay cả những nghệ nhân bài chòi quen thuộc của tỉnh mà giờ mẹ còn không nhớ tên, nên tôi thật xúc động khi thấy mẹ nghe họ hát bài chòi thì niềm đam mê trong tiềm thức vẫn trỗi dậy để tay mẹ gõ nhịp, múa. Gia đình chúng tôi hết sức trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các cấp, ngành đã lập hồ sơ đề cử và kịp thời tổ chức lễ phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, giúp cho mẹ tôi còn có thể đến dự được...”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh trao tặng danh hiệu NNND cho các nghệ nhân Nguyễn Thị Đức (thứ hai từ phải qua), Lê Thị Đào, Đinh Chương.
Năm nay đã gần 80 tuổi, cụ Nguyễn Thị Hào (ở xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân) rất vui sướng khi cũng đến dự ngày được trao tặng danh hiệu NNƯT. “Trước đây tôi đã có rất nhiều năm đi diễn tuồng, bài chòi cổ, hát ru trước đông người, nhưng buổi lễ hôm nay sao mà thấy hồi hộp và run quá. Giờ không còn sức đi diễn nữa, nhưng niềm vinh dự hôm nay sẽ tiếp thêm động lực cho tôi để sẵn sàng trao truyền những gì mà mình biết được cho thế hệ trẻ...”, cụ Hào tâm sự.
Nguồn: BTV
Cần hỗ trợ để phát huy “vốn quý” của cha ông
Phần lớn các NNND, NNƯT đều ở độ tuổi từ 70 đến hơn 90 tuổi, đã và đang dần suy yếu về sức khỏe, trí nhớ, nên cần “chạy đua với thời gian” để họ có thể tiếp tục chia sẻ “vốn quý” của cha ông cả về kỹ năng lẫn kinh nghiệm cho các thế hệ kế cận, nhất là thế hệ trẻ hiện nay.
“Tôi đề nghị ngành văn hóa - thể thao và các sở, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan tiếp tục có sự quan tâm, tạo điều kiện cho các nghệ nhân trong việc tổ chức các hoạt động trình diễn, truyền dạy, sáng tạo... Nhất là nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho các nghệ nhân để có điều kiện tiếp tục cống hiến cho công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh
Đã ở tuổi gần thất thập, nhưng ngày ngày NNND Minh Đức vẫn vất vả lao động để tự nuôi sống bản thân và chăm lo cho mẹ chồng 90 tuổi. Dù vậy bà vẫn luôn tràn đầy tâm huyết cống hiến cho bài chòi cổ. Bà tâm sự: “Từ lâu tôi đã trăn trở muốn thành lập CLB bài chòi cổ ở xã Cát Hưng, hay dành hai ngày cuối tuần để truyền dạy cho thế hệ trẻ ở quê mình khi các cháu không bận học. Nếu có được phần hỗ trợ nào đó hằng tháng của Nhà nước thì tôi sẵn sàng truyền dạy hằng ngày, tranh thủ khi sức khỏe mình còn có thể...”.
Sự phối hợp, hỗ trợ hơn nữa từ các cấp là điều NNND Đinh Chương (xã Vĩnh Sơn) và NNƯT Đinh Y Băng (xã Vĩnh Thịnh) đang trông chờ để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Ba na Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh. “Trong tình hình di sản văn hóa phi vật thể ngày càng mai một, nếu chỉ có sự nỗ lực của nghệ nhân chúng tôi thì không thể thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn. Do đó, rất cần sự quan tâm thêm nữa từ cấp tỉnh, huyện, các hội, đoàn thể trong việc phối hợp lập những đề án, kế hoạch, hoạt động có thể triển khai ở nhiều làng, tuyên truyền, vận động được các cháu thanh thiếu niên tham gia tìm hiểu, luyện tập để gìn giữ các loại hình âm nhạc truyền thống, nhất là đối với cồng chiêng...”, NNND Đinh Chương bộc bạch.
HOÀI THU