Khẩn trương bao vây, dập dịch tả heo châu Phi
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi có nguy cơ lây lan ra diện rộng, ngày 11.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh và yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các cấp triển khai cấp bách các biện pháp nhằm bao vây, khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Chiều 30.5, tỉnh ta ghi nhận ổ dịch tả heo (DTH) châu Phi đầu tiên trên đàn heo 53 con của một hộ chăn nuôi ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn. Những ngày sau đó, loại dịch bệnh này tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khác.
Xuất hiện nhiều ổ dịch
Tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh ngày 3.6, từ đàn heo của một hộ dân ở thôn Long An 1 bị dịch bệnh, đến nay có thêm 4 ổ dịch khác ở cùng thôn Long An 1 và thôn Tăng Hòa. Phó Chủ tịch UBND xã Canh Vinh Trần Văn Bùi cho hay: Xã đã tổ chức tiêu hủy 191 con heo của 5 hộ dân bị DTH châu Phi và đã trích ngân sách gần 50 triệu đồng hỗ trợ người dân mua vôi, thuốc khử độc sát trùng để xử lý các ổ dịch.
Tại các xã: Phước Thành, Phước Nghĩa, Phước An, thuộc huyện Tuy Phước, DTH châu Phi đã xuất hiện trên đàn heo của nhiều hộ dân. Chính quyền và ngành chức năng đã tổ chức tiêu hủy tổng cộng gần 100 con heo nhiễm bệnh của 7 hộ dân ở các địa phương nói trên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (bìa trái) chỉ đạo UBND xã Canh Vinh, huyện Vân Canh tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Theo ngành chức năng của tỉnh, hiện DTH châu Phi đã xuất hiện tại 15 hộ chăn nuôi của 6 xã, phường thuộc 3 huyện, thành phố với tổng số heo buộc phải tiêu hủy là 348 con heo. Công tác phòng chống DTH châu Phi đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức khi loại vi rút gây bệnh tồn tại trong môi trường lâu và lây nhiễm qua rất nhiều con đường khác nhau. Hơn nữa hiện chưa có vắc- xin phòng dịch và cũng chưa có thuốc đặc trị.
Đánh giá mức độ nguy hại và nhiều tác nhân có thể làm cho DTH châu Phi diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới, sáng 11.6 khi đi kiểm tra tình hình dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các cấp khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách để bao vây, khống chế, ngăn chặn DTH châu Phi lây lan. Phó Chủ tịch Trần Châu nhắc nhở: “Không để người dân bức xúc vì phải nhiều lần gọi điện thông báo, báo cáo về tình hình heo có triệu chứng khác thường hoặc bị bệnh chết, cần hỗ trợ để tiêu hủy. Đây là thời điểm người dân cần sự giúp đỡ từ cán bộ, nên cán bộ phải xuống cơ sở để hỗ trợ giải quyết những khó khăn vướng mắc cho dân. DTH châu Phi sẽ còn kéo dài, lây nhiễm nhiều con đường khác nhau, nên cần phải bền bỉ trong chỉ đạo và thực hiện phòng chống dịch.
Khẩn trương bao vây, dập dịch
Chiều 11.6, sau khi đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống DTH châu Phi tại xã Canh Vinh và Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh để triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn DTH châu Phi lây lan.
Là người thường xuyên bám sát địa bàn, trực tiếp chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống DTH châu Phi, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: Vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác chỉ đạo và thực hiện phòng chống dịch ở cơ sở. Chẳng hạn tại xã Phước Thành, khi phát hiện heo bị chết, người dân báo cho xã, nhưng xã phản ứng rất chậm khiến cho người dân bức xúc. Địa phương cũng chưa chủ động kinh phí phục vụ cho công tác chống dịch, việc rắc vôi, phun thuốc sát trùng các ổ dịch chưa đúng quy trình. Nguy cơ DTH châu Phi ở Vân Canh lây lan ra diện rộng cũng rất cao bởi thói quen thả rông heo và địa phương vẫn chưa kiểm soát được người dân, phương tiện ra vào vùng dịch.
Lãnh đạo các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn cũng bày tỏ lo ngại DTH châu Phi lây nhiễm đàn heo ở địa phương mình và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo 11 huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm này. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển, mua bán heo tại các vùng đã xảy ra dịch bệnh; nghiêm cấm vận chuyển heo từ vùng dịch đến các địa phương khác.
Theo quán triệt của lãnh đạo tỉnh, ngay sau cuộc họp, thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch động vật các địa phương phải trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm túc công tác phòng chống dịch. Trích ngân sách phục vụ công tác phòng chống dịch; thông báo cho người dân biết các vùng đang bị dịch bệnh, hạn chế người và phương tiện ra vào vùng dịch. Các hội, đoàn thể trong tỉnh cũng phải xắn tay áo vào phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì và Sở Công thương kiểm tra tất cả các xã, phường, đơn vị nào chưa có biện pháp phòng chống dịch thì báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý. Chi cục Chăn nuôi và Thú y in phát tờ rơi về quy trình phòng chống dịch cho người dân; thường xuyên kiểm tra trạm, chốt thực hiện kiểm dịch động vật vận chuyển ra vào tỉnh. Sở Tài chính và Sở NN&PTNT tổng hợp kinh phí tiêu hủy gia súc bị dịch trình UBND tỉnh xem xét để hỗ trợ cho người chăn nuôi.
PHẠM TIẾN SỸ