Bình Ðịnh trong hành trang tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành
Trong hành trang tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, tỉnh Bình Ðịnh vinh dự, tự hào đã góp phần không nhỏ.
Cuộc bàn giao trách nhiệm lịch sử
Theo nhà nghiên cứu Đỗ Quyên trong tác phẩm “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 2018), cha con anh Nguyễn gặp nhau tại Bình Định trong khoảng thời gian từ 18.5.1909 đến 30.6.1910 (có tư liệu cho rằng đến 28.2.1910). Trong cuộc gặp gỡ, đáng chú ý nhất là lời căn dặn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: “Nước mất không đi tìm đường cứu nước mà đến tìm cha làm gì!”.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại TP Quy Nhơn. Ảnh: MAI LÂM
Đó là lời nhắc của người cha với người con về trách nhiệm với Tổ quốc. Đồng thời, cũng là lời căn dặn thân thương trước lúc chia tay con; cả hai đều không thể biết rằng, đây là lần gặp nhau cuối cùng và không bao giờ gặp lại nữa…
Cao hơn hết, có thể thấy đó là sự bàn giao trách nhiệm của người cha - lớp người đi trước, với người con - thế hệ tiếp bước cha anh trên hành trình vạn dặm tìm câu trả lời cho lịch sử dân tộc: Cứu nước, cứu dân bằng con đường nào đây!
Như vậy, có thế thấy đóng góp đầu tiên của Bình Định vào hành trang tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là đã bố trí (một cách ngẫu nhiên) cuộc bàn giao trách nhiệm lịch sử. Mặt khác, đó còn là sự chuyển tiếp của chủ nghĩa yêu nước truyền thống (thông qua người cha - một trí thức nho học, yêu nước, thương dân) cho lớp thanh niên của đất nước để rồi giúp họ tiếp biến thành chủ nghĩa yêu nước hiện đại, chủ nghĩa yêu nước trong thế kỷ XX.
Tiếng Pháp và quyết định “ra khơi”
Trong thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành đã học thêm tiếng Pháp và văn hóa tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại Quy Nhơn. Đây cũng là ngôn ngữ tạo cảm hứng cho Người trong hành trình mở cánh cửa khám phá văn minh nhân loại (khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” được viết bằng tiếng Pháp là tinh thần của Đại Cách mạng Pháp 1789 - ẩn số đầu tiên khơi gợi cho Người tìm con đường đi tới cho dân tộc ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu mỹ miều kia). Mặt khác, tiếng Pháp cũng là vốn ngoại ngữ vô cùng cần thiết để Người xin việc và phụ bếp trên tàu trong những ngày đầu tiên ra biển lớn.
Hành trang văn hóa
Thêm một điểm đáng chú ý là Bình Định còn góp phần quan trọng vào hành trang văn hóa của Người. Bình Định là cái nôi của Tuồng cổ. Cái nôi ấy được tiếp biến qua một nhà văn hóa rất nổi tiếng - cụ Đào Tấn. Khi đến Bình Định, anh Nguyễn đã nhiều lần đến thăm cụ Đào Tấn - người bạn thân thiết của cha mình.
Hơn nữa, đến Bình Định sống cả năm, chắc chắn Nguyễn Tất Thành đã nhiều lần được xem diễn tuồng ở các làng quê - những vở diễn mộc mạc, thân thương mà sâu lắng, trầm hùng. Vì vậy, sau này khi đã là Chủ tịch nước, Bác vẫn rất mê Tuồng và thường yêu cầu anh em biểu diễn sau giờ họp căng thẳng, diễn chiêu đãi nước bạn khi ra nước ngoài công tác…
Ngoài ra, đến Bình Định, Người còn tiếp biến hào khí của mảnh đất Tây Sơn, tinh thần quật cường của nghĩa quân Tây Sơn, anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hào khí ấy, tinh thần ấy được biểu hiện thấm đẫm trong từng con người Bình Định, trong văn hóa ứng xử, đặc biệt là thông qua mảnh đất Tây Sơn oai hùng - nơi Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đang làm Tri huyện.
Những tấm lòng nghĩa hiệp, hào sảng, tinh thần thượng võ của mảnh đất địa linh nhân kiệt oai hùng đã nâng bước chân, như tiếp thêm sức mạnh cho người thanh niên trẻ tuổi vững bước trên con đường thiên lý vạn dặm tìm lại hình cho nước. Và chính Người đã tiếp tục khẳng định truyền thống quật cường của một dân tộc nhỏ bé, gan góc, kiên cường, yêu chuộng hòa bình và công lý.
Những đóng góp quan trọng của Bình Định vào hành trang của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong hành trình tìm đường cứu nước để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm và những bài học hết sức quý báu. Từ đó, Bình Định nói riêng, cả nước nói chung cần tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống hiếu học, những giá trị văn hóa để tiếp tục đưa Bình Định và Việt Nam bay cao, bay xa.
LÊ VĂN MINH (Trường Chính trị tỉnh)