Hé lộ điều dị thường về "bản sao" của Trái đất
Một hành tinh nóng bỏng, quay quanh quỹ đạo của một ngôi sao cách xa Trái đất 700 năm ánh sáng, có nhiều đặc điểm rất giống ngôi nhà chung của chúng ta. Điểm khác biệt là một năm trên hành tinh này chỉ bằng 8,5 giờ đồng hồ trên Trái đất và nhiệt độ trên bề mặt lên tới hơn 2.000 độ C.
"Bản sao" nóng bỏng nói trên của Trái đất là Kepler 78b, hành tinh nhỏ nhất ngoài hệ mặt trời từng được xác định kích thước và khối lượng. Kepler 78b chỉ to gấp 1,2 lần Trái đất và có khối lượng gấp 1,8 lần hành tinh của chúng ta.
Hình ảnh so sánh giữa Trái đất với "bản sao" nóng bỏng Kepler 78b, vốn cư trú ở chòm sao Cygnus, cách chúng ta hàng trăm năm ánh sáng. Ảnh: AP
Kepler 78b cũng có kết cấu đất đá và độ đậm đặc giống như Trái đất. Dẫu vậy, hành tinh này dịch chuyển gần ngôi sao mẹ (mặt trời) của nó gần tới mức không thứ gì có thể tồn tại trong bề mặt nóng chảy của nó.
Thời gian để Kepler 78b hoàn thành một vòng quay quanh sao mẹ (một năm) chỉ tương đương 8,5 giờ đồng hồ trên Trái đất. Lớp bề mặt của hành tinh này là một đại dương nham thạch cuộn chảy, có nhiệt độ lên tới 2.760 độ C.
Tiến sĩ Chris Watson thuộc Đại học Queen (Anh) cho biết: "Kepler-78 là hành tinh nham thạch nóng bỏng đáng lẽ không nên tồn tại. Sự tiệm cận của hành tinh này với ngôi sao mẹ cũng như nguồn gốc của nó vẫn còn là một bí mật. Điều chúng tôi biết là, Kepler-78 sẽ không tồn tại vĩnh viễn. Các đợt sóng hấp dẫn sẽ phá hủy dần dần Kepler-78, kéo nó tiến gần hơn tới ngôi sao mẹ và cuối cùng xé toạc hành tinh thành mảnh vụn".
Các chuyên gia thiên văn học chỉ mới phát hiện một số rất ít các hành tinh ngoài hệ mặt trời có kích thước hoặc khối lượng như Trái đất. Kepler 78b là hành tinh đầu tiên trong nhóm này được xác định cả kích thước và khổi lượng.
Kepler 78b được nhận diện lần đầu tiên nhờ kính thiên văn Kepler của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sau khi nghiên cứu các hành tinh di chuyển quanh quỹ đạo của 150.000 ngôi sao. Theo tiến sĩ Watson, khám phá này là một ví dụ tuyệt vời cho sự đa dạng của các hành tinh ngoài hệ mặt trời mà con người đang cố gắng giải mãi.
Chuyên gia này cho rằng, chỉ cách đây 5 năm, chúng ta không thể có được phát hiện lớn như vậy, do các công nghệ và kỹ thuật trong lĩnh vực thiên văn học chưa tiến bộ vượt bậc như ngày nay.
Theo Tuấn Anh (VNN/Daily Mail)