Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với tỷ lệ 90,7% tán thành
Sáng 13.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi với tỷ lệ đồng thuận đạt 90,7%. Đây là một dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến góp ý, thậm chí có những ý kiến trái chiều, nên ngày 3.6 vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu về 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trên cơ sở kết quả xin ý kiến, các cơ quan liên quan đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10), UBTVQH tiếp thu theo kết quả phiếu xin ý kiến của đa số đại biểu, giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C thể hiện tại các điều từ Điều 7 đến Điều 10 của dự thảo Luật.
Về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn (Điều 60, 62), UBTVQH tiếp thu theo kết quả phiếu xin ý kiến của đa số đại biểu, theo đó, tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của Luật này; Riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này.
Tương tự như vậy, đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn ở địa phương, xin chỉnh sửa tương ứng các quy định tại Điều 62 của dự thảo Luật về trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương, trước ngày 5.12 năm thứ năm của kế hoạch ĐTCTH giai đoạn trước, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp khóa trước cho ý kiến về kế hoạch ĐTCTH giai đoạn sau; Ủy ban nhân dân căn cứ vào dự toán chi ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau.
Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo kết quả lấy ý kiến ngày 3.6, do không có phương án nào được trên 50% đại biểu lựa chọn, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành; đồng thời, chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật ngân sách nhà nước (NSNN). Về thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH đề nghị giữ nguyên quy định Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với: a) Chương trình mục tiêu quốc gia; b) Dự án quan trọng quốc gia theo khoản 1 Điều 17 của Luật Đầu tư công hiện hành và cũng trùng khớp với quy định của dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Về “Nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, UBTVQH giữ cơ bản như quy định tại Điều 52 của Luật Đầu tư công hiện hành, chỉ bổ sung nội dung trình về “định hướng cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực trong trung hạn” và tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tổng mức vốn của từng cơ quan, tổ chức được giao kế hoạch vốn đầu tư công tại khoản 2, khoản 4 Điều 49 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật NSNN về các lĩnh vực chi NSNN. Theo đó, hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch ĐTCTH bao gồm các nội dung quy định tại Điều 49 của dự thảo Luật .
Đây là một dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến góp ý, thậm chí có những ý kiến trái chiều, nên ngày 3-6 vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu về 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại Hội trường và qua kết quả xin ý kiến, các cơ quan liên quan đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) như vừa được thông qua.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)