Cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2013:
Nước qua đôi mắt học trò
Hưởng ứng thập niên hành động “Nước đối với cuộc sống 2005-2015”, với chủ đề “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý”, Cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm nay tiếp tục là sân chơi văn học lý thú cho hàng ngàn học sinh trong tỉnh.
Đại diện Ban tổ chức trao thưởng và tuyên dương các thí sinh đoạt giải.
Bằng việc tham gia cuộc thi, các em thể hiện suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm của mình trước một vấn đề thời sự của đời sống. Dưới ngòi bút hồn nhiên, giàu hình ảnh, không kém phần sâu sắc của tâm hồn trẻ thơ, sự lý giải “tại sao nước là quý” không rơi vào khô khan mà đầy mềm mại và thuyết phục.
Ý tưởng sáng tạo, thể hiện giàu cảm xúc
Các tác giả nhí gặp gỡ nhau ở nội dung nói lên tầm quan trọng của nước trong sản xuất, sinh hoạt, duy trì sự sống; nguồn nước đang bị ô nhiễm… Tuy nhiên, cách đặt vấn đề và xây dựng tình huống đa dạng, tạo dáng vẻ riêng cho mỗi bức thư.
Trong bức thư gửi “bác Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường”, Nguyễn Tôn Nữ Ngọc Nhi (lớp 7A3, Trường THCS Lê Lợi, TP Quy Nhơn), cho thấy một suy nghĩ chín chắn: “Nước không vô tận! Con người phung phí, làm ô nhiễm nước một phần vì có suy nghĩ nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, thật kinh khủng khi con người đang quen dần và không nhận thấy những hiểm nguy”. Cô bé kỳ vọng “bác bộ trưởng” với vị trí người đứng đầu ngành, sẽ có những biện pháp thiết thực để bảo vệ nguồn nước ngọt cho sự sống.
“Cháu đã từng nghĩ nước chỉ đơn giản là một chất lỏng trong suốt mà ngày nào mẹ cháu cũng bắt uống sau bữa ăn để làm cho con sâu răng… chết ngộp!” – đó là nhận thức ban đầu về nước của Nguyễn Lê Ngọc Mỹ (lớp 6A1, Trường THCS Lương Thế Vinh, TP Quy Nhơn). Để rồi trong hành trình lớn lên của mình, cô bé đã được học hỏi và biết được tầm quan trọng của chất “vàng trắng” này. “Giờ cháu biết rằng, mọi chất lỏng đều là khái niệm của nước. Những cơn mưa, trong lành hay ô nhiễm, tùy vào con người cả…” (thư gởi bác Fujiko Fujio, tác giả bộ truyện tranh Đôrêmon nổi tiếng).
Tại lễ tổng kết và trao giải UPU, tôi gặp cô bé Nguyễn Thị Yến Non, lớp 5Đ, Trường Tiểu học Kiên Ngãi, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, thí sinh giành giải nhỏ tuổi nhất. Trong bức thư của mình, Non đã hóa thân thành Ngọc hoàng, gởi thư cho Táo thủy lợi để nhấn mạnh về yếu tố “nhất nước” trong sản xuất nông nghiệp, góp phần mang lại mùa màng tốt tươi cho người nông dân quê em. Cha của em, anh Nguyễn Văn Phúc, chia vui: “Hai cha con đã đi xe máy từ 5 giờ sáng để kịp dự lễ tổng kết UPU. Nghe con đọc lại nội dung thư, thấy con còn nhỏ mà biết suy nghĩ sâu sắc như thế, bậc làm cha mẹ như tôi thấy rất ấm lòng”.
Phát huy ý nghĩa xã hội của sân chơi
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU do Liên minh Bưu chính thế giới phát động hàng năm (bắt đầu từ năm 1972, thiếu nhi Việt Nam tham gia từ năm 1987) là sự kiện văn hóa có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Mỗi năm một chủ đề mang tính thời sự và nhân văn, UPU cho thấy khả năng hướng thế hệ măng non trên toàn thế giới thể hiện suy nghĩ, mong ước và phần nào đó ý thức trách nhiệm của mình đối với những vấn đề xã hội lớn lao của thời đại. Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy ý nghĩa của cuộc thi trong tỉnh, nên phổ biến các bức thư đoạt giải cao bằng hình thức giao lưu giới thiệu, in tuyển tập…
UPU Bình Định năm 2013, ngoài những thành công nhất định, vẫn còn một số hạn chế đáng tiếc trong khâu tổ chức. Huyện Tuy Phước - địa phương vốn có thành tích nổi trội về môn Văn - lại không có học sinh nào tham gia UPU năm nay. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Phòng GD&ĐT huyện, Huyện đoàn… đã tổ chức phát động Cuộc thi đến các trường trong huyện. Tuy nhiên, bài dự thi đã bị gửi nhầm địa chỉ, không đến được Ban tổ chức.
Anh Trịnh Huy Kiên, Phó Bí thư Huyện đoàn Tuy Phước, cho biết: “Sau khi phát động Cuộc thi, chúng tôi thu được 2.303 bài dự thi của học sinh 44 trường tiểu học, THCS và 4 trường THPT trong huyện. Qua sơ loại, chúng tôi chọn được 70 bài, nhưng thay vì gởi về Ban tổ chức cuộc thi trong tỉnh (Sở TT-TT ), một số anh em mới về cơ quan nhận việc đã gửi nhầm đến Báo Thiếu niên Tiền phong”!
Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi ở một số trường chưa thật sự chu đáo, hiệu quả. Vì thế, không ít bài thi trình bày chưa đúng thể lệ, có bài dự thi chỉ viết vài dòng đối phó thậm chí để giấy trắng. Các huyện miền núi chưa tỏ ra hào hứng với sân chơi này. Huyện An Lão chỉ có 6 trường tham gia, huyện Vĩnh Thạnh chỉ có 4 trường. “Qua cuộc thi cũng bộc lộ phần nào sự chênh lệch khá lớn về chất lượng giáo dục, trình độ thí sinh giữa vùng đồng bằng và dân tộc thiểu số. Mặc dù cơ cấu giải thưởng có giải dành cho thí sinh người dân tộc thiểu số nhưng đã 3 năm liên tiếp giải này vẫn còn để ngỏ”, Phó Giám đốc Sở TT-TT Nguyễn Thanh Mừng cho biết.
SAO LY