Góp ý Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)
(BĐ) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 13.6, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Góp ý về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, đại biểu Nguyễn Hữu Đức cho rằng quy định này chỉ phù hợp với các công ty đại chúng đang hoạt động bình thường tại các nước có thị trường chứng khoán phát triển. “Trong bối cảnh cơ cấu lại hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém thì quy định này trở thành rào cản. Thậm chí, các TCTD yếu kém sẽ không đủ điều kiện để chào bán trái phiếu với mục tiêu cơ cấu lại về tài chính”, đại biểu Đức nêu vấn đề.
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức thảo luận về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Ảnh: QUANG KHÁNH
Từ bất cập này, đại biểu Đức đề nghị: Trường hợp TCTD yếu kém phát hành trái phiếu để cơ cấu lại thì cần có đánh giá tác động thực tế với quy định điều kiện có lãi, không có lỗ lũy kế. Mặt khác, cần quy định trách nhiệm của TCTD trong việc công bố rõ điều kiện, tình hình tài chính của mình để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin trước khi quyết định đầu tư...
Về quy định tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận (Điều 20), đại biểu Đức cho rằng: Luật kiểm toán độc lập đã dành chương VI quy định kiểm toán báo cáo tài chính đơn vị có lợi ích công chúng với đủ căn cứ để lựa chọn DN, kiểm toán viên hành nghề kiểm toán, kể cả chế tài xử lý khi không đáp ứng yêu cầu chất lượng báo cáo kiểm toán. Do đó, để tránh chồng chéo, cần đánh giá tác động quy định trên ở các khía cạnh như: bảo đảm quyền tự do kinh doanh, hoạt động kiểm toán theo luật định; giữa yêu cầu của cơ quan nhà nước đối với yêu cầu chấp hành chuẩn mực kiểm toán của tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên.
Về vấn đề nhà đầu tư nước ngoài tham gia vốn trên thị trường chứng khoán (Điều 51), đại biểu Đức đề xuất xem xét quy định cho phép có thể tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn mức hiện hành đối với nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành nghề đầu tư có điều kiện mà chưa có quy định về sở hữu nước ngoài. Đồng thời, có quy định làm căn cứ ban hành chính sách cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu cao hơn mức quy định theo cam kết hoặc theo pháp luật chuyên ngành nhưng không thay đổi quyền biểu quyết theo tỷ lệ cam kết.
ĐBQH Lê Công Nhường góp ý về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Ảnh: QUANG KHÁNH
Trong khi đó, ĐBQH Lê Công Nhường đề nghị bổ sung một khoản cấm vào Điều 11 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể là cấm tổ chức tư vấn đầu tư và nhân viên tham gia làm đại lý tham gia đầu tư chứng khoán; thông đồng với khách hàng để chia sẻ thu nhập hoặc tổn thất đầu tư chứng khoán; giao dịch với tổ chức tư vấn; cung cấp, phổ biến thông tin sai lệch hoặc gây hiểu nhầm cho nhà đầu tư.
Bảy tỏ tâm đắc với mô hình Công ty đầu tư vốn nhà nước của Singapore, đại biểu Nhường đề nghị thiết kế thêm một số điều để huy động nguồn lực, tài sản của nhân dân thông qua thị trường chứng khoán; có cơ chế để chuyển đổi thành cổ phiếu, trái phiếu góp vốn vào công ty đầu tư nhà nước. Đồng thời, bổ sung một số điều tại chương III cho phép Ủy ban quản lý vốn nhà nước thành lập một công ty đầu tư nhà nước có nhiệm vụ sử dụng vốn của Nhà nước và nhân dân một cách hiệu quả cho cả đôi bên.
Đại biểu Nhường cũng đề xuất Sở giao dịch chứng khoán nên được đặt tại TP Hồ Chí Minh - trung tâm tài chính sôi động của cả nước; bổ sung quy định công ty chứng khoán phải trích khoản dự phòng rủi ro giao dịch từ lợi nhuận sau thuế hằng năm để bù đắp cho những ngày mất giao dịch chứng khoán, quy định về Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán.
NGUYỄN MUỘI - TRỌNG LỢI