Khởi sắc các làng dân tộc thiểu số ở Vân Canh
Hôm nay (14.6), Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Vân Canh lần thứ III (nhiệm kỳ 2019 - 2024) diễn ra. Về thăm các làng vùng dân tộc thiểu số trước Ðại hội, chúng tôi được bà con chia sẻ nhiều niềm vui về cuộc sống ngày càng khởi sắc.
Ông Mai Thanh Vân, ở làng Suối Đá, xã Canh Hiệp, cho biết: “Cuộc sống của bà con trong làng giờ đã đổi thay nhiều. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang; kinh tế, giáo dục và y tế đều phát triển. Bà con trong làng còn được hỗ trợ kiến thức, giống, vốn, công cụ sản xuất, phân bón… để nuôi, trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao; được tạo điều kiện đi làm ở các khu công nghiệp nên có việc làm thường xuyên. Hộ đói không còn, chỉ có hộ làm biếng mới nghèo thôi”.
Khu phố Canh Tân, thị trấn Vân Canh, có nhiều khởi sắc.
Lời của ông Mai Thanh Vân cũng là ý nghĩ của rất nhiều người lớn tuổi sinh sống ở các làng, khu phố đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Vân Canh. Họ là những người đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ trước kia nên rất trân trọng, tự hào trước những đổi thay của làng mình. Như bà Ra Lan Thị Hói, người có gần 70 năm sinh sống ở làng Canh Phước, xã Canh Hòa, nói rằng bà rất vui khi cuộc sống của con cháu mình tốt đẹp hơn mình trước kia rất nhiều.
Sau 5 năm, kể từ khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II (nhiệm kỳ 2014 - 2019), Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các DTTS huyện Vân Canh đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Từ các nguồn vốn của Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác, huyện Vân Canh đã đầu tư 486,6 tỷ đồng xây dựng 123 công trình, trong đó có 55 công trình giao thông, 23 công trình thủy lợi, 35 nhà văn hóa, 6 trường học và 4 công trình dân sinh khác. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã hỗ trợ công cụ sản xuất, cây, con giống, thức ăn gia súc và phân bón… cho gần 4.870 lượt hộ dân với tổng kinh phí 11,75 tỷ đồng. Hỗ trợ chuyển đổi nghề, mua sắm máy móc, nông cụ, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn với kinh phí 2,6 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện cho các hộ DTTS trên 311,2 triệu đồng; hỗ trợ 7.162 học sinh DTTS ở các cấp học 14,9 tỷ đồng và hỗ trợ hơn 23 tấn gạo cho học sinh bán trú; giúp 196 hộ nghèo được vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí 4,9 tỷ đồng.
Việc thực hiện tốt chính sách dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn đã làm thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng, tạo diện mạo mới cho các làng và khu phố vùng DTTS trên địa bàn huyện. Ông Trần Kim Vũ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện - rất vui khi nói về những đổi thay trong vùng đồng bào DTTS ở địa phương mình. Ông vui nhất là những vùng xa xôi như làng Canh Giao (xã Canh Hiệp) và xã Canh Liên đã có điện, đường, trường, trạm; tình cảm và niềm tin của đồng bào đối với cấp ủy, chính quyền ngày càng tăng. Đồng bào cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội, tích cực hơn trong xây dựng cuộc sống và có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng bào các DTTS đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự chủ, góp sức người, sức của xây dựng quê hương. Đến nay, huyện đã có 3 xã đạt 10 tiêu chí trở lên, 3 xã đạt 5 tiêu chí trở lên. Mạng lưới giáo dục và y tế phủ kín tận thôn, làng, khu phố, chất lượng ngày càng được nâng cao; số học sinh người DTTS thi đỗ vào đại học ngày càng tăng; 6/7 xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, các giá trị văn hóa, lịch sử cũng được duy trì và phát huy hiệu quả. Mới đây, tỉnh đã cấp 28 bộ cồng, chiêng cho 28 làng, khu phố có đồng bào DTTS sinh sống. Bà con càng thêm phấn khởi trong việc giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng; nhiều già làng đã tự làm hoặc mua sắm thêm một số nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình và vận động bà con trong làng tham gia luyện tập, biểu diễn. Tiêu biểu có nghệ nhân Lê Văn Du (dân tộc Chăm ở thị trấn Vân Canh), Đinh Văn Diễn (dân tộc Bana, ở xã Canh Liên)…
HẠNH PHÚC