Trạm phẫu trên núi Chóp Chài
Trong những câu chuyện về chiến tranh, ký ức về những tấm gương hy sinh thầm lặng, hình ảnh về một trạm cứu chữa thương binh trong thời chống Mỹ tại núi Chóp Chài, thuộc thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn được nhiều người nhắc đến.
Núi Chóp Chài thuộc một nhánh phía đông của dãy Trường Sơn bị chia cắt từ đèo Phú Cũ (xã Hoài Đức) xuống bờ biển Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ), là căn cứ địa cách mạng để cán bộ ta bám trụ, hoạt động, đánh địch trong những năm kháng chiếu chống Mỹ, cứu nước. Có thời điểm ác liệt, Huyện đội Hoài Nhơn đã đặt một trạm cứu chữa thương binh tại đồi Dông Dài trên sườn núi Chóp Chài, còn gọi là Trạm Phẫu. Như một bệnh viện thu nhỏ, Trạm Phẫu đảm nhận cứu chữa cán bộ, chiến sỹ bị thương; đồng thời là nơi đào tạo cán bộ y tá của ta.
Men theo Hồ Cây Khế - một trong những hồ có dung tích chứa nước lớn ở huyện Hoài Nhơn, với lối đi quanh co, những sườn dốc, dây leo chằng chịt sau gần một giờ đồng hồ đi bộ chúng tôi mới tiếp cận Trạm Phẫu mà dấu vết còn lại là một hố bom có đường kính hơn 10 mét. Cách đó không xa là hệ thống hầm chui nằm rải rác, trước đây là nơi sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ và chữa trị cho thương binh. Trong khu vực có bán kính khoảng 1 km từ giữa sườn núi đến gần đỉnh Đồi Dông là 11 chiếc hầm, cách nhau chỉ 10-15 mét- dấu tích về trạm sơ cứu ban đầu, bếp ăn tập thể được bộ đội, du kích ta đào sâu trong lòng núi mà hầu như bị xóa nhòa bởi thời gian.
Theo một số nhân chứng sống thì Trạm Phẫu được thành lập khoảng năm 1970-1971. Đây vừa là nơi cứu sống hàng trăm cán bộ, chiến sỹ trong điều kiện hết sức khó khăn với một số y cụ thô sơ, thuốc men thiếu thốn, vừa là nơi đào tạo cán bộ y tế.
Theo anh Nguyễn Quốc Trị, hiện công tác tại Trung tâm Y tế Hoài Nhơn, vào những năm đó anh thuộc diện được đào tạo nghiệp vụ quân y cùng với 8 “biên chế” khác của Trạm là các anh chị em y tá trực tiếp cứu chữa thương binh. Do bị địch ném bom ác liệt, nhiều anh chị em đã anh dũng hy sinh; những người may mắn thoát chết, ngoài anh, hiện còn một người khác vẫn còn sống như chị Nguyễn Thị Đến (vợ thiếu tướng Trần Công Thức, hiện ở Quy Nhơn); chị Nguyễn Thị Huê (hiện ở xã Hoài Hải), các chị Trần Thị Thúy Vân, Nguyễn Thị Có (hiện ở xã Tam Quan Bắc)...
Được nghe kể lại những câu chuyện liên quan đến Trạm Phẫu hầu như không ai không xúc động về những năm tháng chiến tranh ác liệt. Càng căm phẫn hơn, khi trong hàng ngũ của ta có kẻ phản bội đã chỉ điểm Trạm Phẫu để địch địch cho máy bay thả bom, bắn pháo, càn quyét... làm cho hàng chục cán bộ, chiến sỹ, thương binh phải hy sinh. Đỉnh điểm có ngày địch càn tới đã giết cùng lúc 17 thương binh, cán bộ, nhân viên y tế; trong đó có anh Nguyễn Hồng Sinh (quê Tam Quan Nam), bị thương phải bò ra khỏi căn cứ nhưng không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Trong tình thế bị lộ, Huyện đội Hoài Nhơn buộc phải di chuyển Trạm Phẫu đến địa điểm khác.
Anh Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ cho biết, so với một số địa danh khác, Trạm Phẫu cần được xem xét công nhận di tích lịch sử. Theo đề nghị của xã, chỉ đạo của UBND huyện Hoài Nhơn, mới đây, các ngành chức năng của huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, lập phương án xây dựng đường vào Trạm Phẫu và đặt bia tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại đây. Đồng thời, xúc tiến việc xác lập hồ sơ, đề nghị các cấp, các ngành công nhận Trạm Phẫu là di tích lịch sử, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân liệt sỹ và nhân dân đến viếng thăm; góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.
Phạm Dân
(Đảng ủy xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn)