Phát triển nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn
Bài 2: Tiếp tục củng cố, giữ vững vai trò trong đời sống xã hội
“Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới” là một trong các tiêu chí quan trọng mà Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đặt ra. Đây cũng là vấn đề cấp bách cần giải quyết để báo chí Việt Nam tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng và nhân văn, luôn là địa chỉ tin cậy của xã hội và công chúng.
Qua 94 năm hình thành và phát triển (1925-2019) dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là vũ khí sắc bén trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, làm tốt vai trò định hướng dư luận, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vị thế trong xã hội. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận trong quá trình vận động, nhất là thời gian gần đây, báo chí chịu nhiều tác động của thị trường - yếu tố vừa tạo cơ hội, vừa đặt ra không ít thách thức với các tòa soạn trong hoạch định kế hoạch phát triển phù hợp với giai đoạn mới, nhất là khi tự chủ về tài chính trở thành một yêu cầu. Trong bối cảnh đó, không ít báo, tạp chí đã có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị trường, không còn là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Hệ quả là gần đây, một số báo chí bị đình bản, phạt tiền, phóng viên bị thu hồi Thẻ nhà báo... Sau khi Luật Báo chí được ban hành, năm 2016 Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ TT - TT) đã quyết liệt xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực báo chí với mục tiêu lập lại trật tự, kỷ cương của báo chí cũng như đội ngũ nhà báo. Chỉ tính riêng năm 2016 đã có gần 150 cơ quan báo chí bị xử phạt, có tháng Bộ TT - TT đã xử lý gần 70 trường hợp sai phạm, mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng, trong đó sai phạm thuộc về báo điện tử chiếm tới 76 trường hợp (tương đương 50,66%). Sai phạm chủ yếu được cơ quan chức năng chỉ ra là đưa thông tin sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng. Năm 2017, Bộ TT - TT xử lý vi phạm hành chính 55 trường hợp, thu hồi một giấy phép hoạt động báo chí, một giấy phép chuyên trang điện tử, đình bản năm trường hợp, trong đó có bốn trường hợp bị đình chỉ ba tháng do sai phạm hoạt động báo chí; 12 người bị thu hồi Thẻ nhà báo do sai phạm, bị kỷ luật. Tới năm 2018, có 26 trường hợp báo chí bị xử phạt vi phạm hành chính; một trang điện tử bị đình bản tạm thời; bảy người bị thu hồi Thẻ nhà báo. Mặc dù số lượng vi phạm đã có xu hướng giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao, nhiều vi phạm có tính chất nổi cộm. Chưa kể không ít sai lầm, khuyết điểm của một số cơ quan báo chí dù chưa đến mức phải xử phạt song cũng phần nào làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với người làm báo và cơ quan báo chí.
Trong hàng loạt sai phạm của báo chí hiện nay, nổi lên và gây bức xúc là hiện tượng một số phóng viên lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp, lợi dụng uy tín tòa soạn để hạch sách, nhũng nhiễu, mưu lợi từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Chiếm số lượng đáng kể trong đó là một số phóng viên thường trú ở địa phương. Tranh thủ sự thiếu kiểm soát của cơ quan chủ quản, các phóng viên này sử dụng Thẻ nhà báo như “giấy thông hành” thực hiện hành vi sai phạm với nhiều chiêu thức khác nhau. Cách thức phổ biến nhất là săn tìm, phát hiện sai phạm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để đe dọa, mặc cả. Mới đây, ngày 26.3.2019, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang Hà Văn Khải (bút danh Hà Khải) lợi dụng danh nghĩa nhà báo để thực hiện hành vi cưỡng đoạt tiền của một doanh nghiệp ở địa phương. Tương tự các vụ việc đã bị phát hiện, phóng viên này không hành động một mình mà còn câu kết một số đối tượng khác để “đánh hội đồng” doanh nghiệp nhằm trục lợi. Trước đó, tháng 12.2018, việc phóng viên Đào Thị Thanh Bình (báo Thương hiệu và Công luận) bị bắt giữ vì có hành vi tống tiền doanh nghiệp số tiền lên đến 70.000 USD khiến dư luận xã hội hết sức phẫn nộ, bởi đây là hành vi trắng trợn, cho thấy thái độ bất chấp pháp luật của một số phóng viên tha hóa biến chất. Ngày 22.5.2019, Công an tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành kết luận điều tra, đề nghị truy tố Đào Thị Thanh Bình về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Các sự kiện đó giúp lý giải vì sao ở một số địa phương, phóng viên lại trở thành nỗi e ngại của các cơ quan, đơn vị. Và dù lý do nào thì cơ quan báo chí có phóng viên vi phạm pháp luật cũng không thể vô can. Sự lơ là, thiếu kiểm soát của tòa soạn đã tạo kẽ hở để phóng viên tự tung tự tác, nhũng nhiễu, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Các sai phạm bị phát hiện không chỉ liên quan việc tuyển dụng, sử dụng nhân lực của mỗi tòa soạn, mà còn là trách nhiệm của cơ quan báo chí trong tổ chức hoạt động tại các địa phương với đại diện là phóng viên thường trú. Sai phạm có thể khiến phóng viên thường trú bị sa thải, bị xét xử theo quy định của pháp luật, nhưng sai phạm làm mất uy tín của một tờ báo thì khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều. Nếu các tòa soạn thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, phóng viên chắc chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực.
Không kém nổi cộm trong hoạt động báo chí, gây bức xúc dư luận còn có tình trạng nhiều ấn phẩm, nhất là báo điện tử, bị biến tướng, tha hóa về nội dung và hình thức. Thay vì thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nội dung trên các ấn phẩm này chủ yếu chạy theo thị hiếu tầm thường, dễ dãi của một bộ phận công chúng, với tin bài chủ yếu là tin tức, hình ảnh giật gân, phản cảm, nhằm đạt mục tiêu duy nhất là tăng rating (lượt truy cập), tăng lượng phát hành, tăng doanh thu. Đây là hiện tượng bất bình thường trong hoạt động báo chí, đòi hỏi phải chấn chỉnh kịp thời. Nếu không được tòa soạn “bật đèn xanh”, cho phép “xé rào” vì chủ trương biến tờ báo thành nơi tìm kiếm lợi nhuận thì chắc chắn phóng viên không tự biến thành người chuyên lê la trên mạng xã hội, nhặt nhạnh các loại tin tức “bên lề”, săn tìm phát ngôn gây sốc, bám theo giới giải trí (showbiz), lùng sục nạn nhân các vụ án,... để sản xuất những bài viết theo kiểu chộp giật, ăn xổi, tự đánh mất vai trò định hướng thông tin lành mạnh cho xã hội. Thậm chí chính lối tác nghiệp thiếu trách nhiệm này còn tạo cơ hội để tin giả, tin thiếu kiểm chứng ngang nhiên xuất hiện trên mặt báo.
Có một thực tế là lâu nay tại không ít tòa soạn, thu nhập của phóng viên phụ thuộc vào lượng truy cập của độc giả vào bài viết. Từ đây dẫn tới tình trạng dù có thể không muốn, một số phóng viên vẫn phải đưa ra loại tin bài chiều theo thị hiếu độc giả với ngôn ngữ bị biến dạng, thiếu chuẩn mực, thậm chí gây phản cảm, đánh mất bản sắc, vị thế cần có của tờ báo. Vì mục đích “câu view”, nhiều phóng viên truyền tay nhau “cẩm nang đặt tít” với các chiêu thức như: ăn theo sự kiện và chủ đề “hot”, kích thích bằng loại từ ngữ nhạy cảm, thuật ngữ mới lạ, cường điệu hóa, tạo ra sự tranh cãi của đám đông... Đây là một con dao hai lưỡi, vì với lối giật tít phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, từ sự việc vốn bình thường nhưng bằng giật tít giật gân, gợi tò mò, phóng viên dễ gây hiểu lầm, xúc phạm nhân vật đã đề cập trong bài viết, đánh lừa người đọc bằng nội dung không liên quan bài viết... Hệ quả là nhiều bài báo không chỉ tác động tiêu cực đến sinh hoạt xã hội, làm công chúng hoang mang, mà còn khiến nhà báo và tòa soạn báo bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Đưa tin sai, đăng bài viết có nội dung đi ngược thuần phong mỹ tục, kích động dư luận, lỏng lẻo trong biên tập, thiếu nhạy cảm về chính trị đã dẫn đến một số lỗi sai ngớ ngẩn xuất hiện trên mặt báo cũng như tình trạng phóng viên ngồi một chỗ sao chép tin bài trở nên phổ biến. Điều này khiến một số tờ báo ngày càng sa sút chất lượng, xa rời tôn chỉ mục đích hoạt động của báo chí nói riêng, không đáp ứng được đòi hỏi của công chúng đối với tờ báo và người làm báo nói chung. Vì thế, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cần phải được đặt lên hàng đầu. Và ở đây, trách nhiệm trước hết thuộc về các tổng biên tập - người đứng đầu các tòa soạn, sau đó là trách nhiệm của đội ngũ biên tập và cá nhân người làm báo. Do đó, cùng với việc tinh gọn hệ thống báo chí, chất lượng của đội ngũ người làm báo cũng là vấn đề cần phải đặt lên hàng đầu, nhằm đáp ứng được đòi hỏi của xã hội trong tình hình mới.
Cần nhìn nhận rằng, việc cơ quan chức năng xử phạt báo chí khi phát hiện sai phạm là cần thiết nhưng xét đến cùng biện pháp này mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Vì việc xử phạt chỉ áp dụng khi hành vi sai phạm đã thực hiện, và hình thức xử phạt nghiêm khắc đến đâu cũng không thể bù đắp thiệt hại mà sai phạm báo chí đã gây ra. Để hạn chế và chấm dứt sai phạm trong hoạt động báo chí, không cách nào khác, các cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí, biên tập viên và mỗi người làm báo cần có ý thức tự giác về vai trò trách nhiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức người làm báo. Luật Báo chí đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2017, 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành để hội viên thực hiện, đó là cơ sở pháp lý và đạo đức thiết thực với mỗi người làm báo. Song mọi quy định chỉ có thể phát huy hiệu quả khi mỗi cá nhân thường xuyên thực hiện nghiêm túc. Với báo chí cũng vậy, chỉ bằng việc thực hiện nghiêm túc mọi tiêu chí nghề nghiệp và đạo đức, mỗi người làm báo mới có thể góp phần vào sự nghiệp phát triển báo chí, củng cố niềm tin trong cộng đồng, thực hiện tốt vai trò đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
(Còn nữa)
Theo ĐÔNG Á VÀ QUANG HÀ (nhandan.com.vn)