Kỷ niệm làm báo: Gặp một người nô lệ cuối
Cuối năm 1986, sau 1 năm về công tác ở Báo Nghĩa Bình, tôi được phân công viết một bài ký về sự đổi đời ở một vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện miền núi Sơn Hà để đăng trên số báo Xuân năm 1987. Làm báo Đảng thời bao cấp (hay bây giờ cũng vậy) như một sự mặc định, bút ký đăng trên báo xuân thường phải có âm hưởng vui tươi, phấn khởi, tràn đầy niềm tin và hy vọng về một năm mới nhiều thắng lợi, về sự thay da đổi thịt của một vùng đất hay sự đổi đời của một thế hệ.
Những năm tháng đó, thông tin không nhiều và lan tỏa nhanh như bây giờ, nhà báo hầu như không có sự hóng hớt thông tin nào nên đề tài cho bài viết thường là phải tự dò dẫm. Dò dẫm mãi rồi cái ăng ten thính nhạy thời cuộc, thính nhạy thông tin cũng hình thành, tạo cái vẻ khác biệt với các nhà báo đời mới, nhà báo salon bây giờ (thường chủ yếu viết theo thông tin trên mạng, hay lấy đề tài từ báo khác!).
Từ Quy Nhơn đi về huyện miền núi Sơn Hà phải qua hai chặng xe ô tô chạy bằng than, mà muốn có vé lên ô tô cũng không hề đơn giản. Ở Quy Nhơn muốn đi Quảng Ngãi phải ra bến xe liên tỉnh xếp hàng từ 4-5 giờ sáng! Cái thẻ nhà báo lúc bấy giờ tỏ ra vô cùng hữu ích, bởi thế mà nhân viên bán vé thường nhẵn mặt các nhà báo ở địa phương! Tới được Bến xe Quảng Ngãi lại tiếp tục trình thẻ nhà báo để được ưu tiên mua vé lên Sơn Hà.
Bài báo Truyền thuyết ở đầu nguồn sông Trà
Ở huyện Sơn Hà, tôi được đồng chí Bí thư huyện ủy chiêu đãi cho món dái bò… mà ông ta gọi là “ngọc ngầu”! Lần đầu tiên nếm được “của ngon vật lạ” sau những tháng năm thiếu đói ở trường đại học, thấy hồ hởi vô cùng. Cứ tưởng tượng, ăn được miếng thịt thời đó phải xếp hàng từ 3 giờ sáng thì biết cái món mà Bí thư huyện ủy chiêu đãi nó tuyệt vời cỡ nào! Đêm thầm nghĩ, mình đã được ăn cái món mà ngày xưa chỉ có quan huyện mới được… Ngẫm nghĩ rồi tủm tỉm một mình.
Hôm sau về xã Sơn Giang, cách huyện gần 20 cây số theo giới thiệu của đồng chí bí thư. Thực ra ông cũng chỉ giới thiệu chung chung thế chứ cũng không có gì cụ thể, chỉ nói ở đó bản làng đổi mới, bà con làm ăn khấm khá!
Gần 20 cây số lại không có bất cứ một phương tiện nào, cả xe đạp! Tôi phải bắt đầu lội bộ! Cứ chỗ nào thấy xe là chìa tay xin quá giang. Và kết quả là được một đoạn đường tôi quá giang bằng xe U-oat, vài đoạn bằng xe máy nhưng lúc trở về thì đi đủ 20 cây số bằng đôi chân…
Hơn 30 năm trôi qua, giờ nghĩ lại thấy như chuyện cổ tích.
Và tôi đã đi trong tiết trời tháng chạp, trời se lạnh, mưa phùn phủ trắng rừng núi. Lần đầu tiên tôi được đi qua rất gần những thửa ruộng bậc thang cảm giác như đang đứng trước một bức tranh thiên nhiên đa sắc màu. Những xóm nhà sàn, rồi những dãy nhà trệt mới định cư, những vườn mì, vườn mít cứ mờ ảo trong màng mưa bụi… đưa tôi về Ủy ban nhân dân xã Sơn Giang.
Cả buổi chiều tôi lắng nghe chuyện làm ăn ở Sơn Giang, từ việc xây hồ chứa nước, định canh định cư, tới chuyện điện, đường, trường, trạm… Ngày hôm sau, theo yêu cầu, Phó Chủ tịch xã Huỳnh Điện đưa tôi đến thăm một số hộ đồng bào dân tộc H’re đang thoát nghèo, vươn lên no ấm.
Tôi nhớ như in buổi chiều ảm đạm trong mưa bụi, giữa bản làng heo hút, lần đầu tiên trong đời, tôi được bước lên một ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc H’re qua chiếc cầu thang ngắn. Ngôi nhà đẹp nằm trong một khu vườn rộng có chuồng heo, chuồng trâu, chuồng gà ẩn dưới một gốc đa cổ thụ. Vào bên trong nhà sàn, một khung cảnh ấm cúng, dễ chịu đập vào mắt tôi. Cả một gia đình đang ngồi quây quần bên một bếp lửa rực hồng, những khúc củi to chụm vào bếp, lửa lóe lên có ngọn. Gia đình gồm đứa con trai chừng 15, 16 tuổi và đôi vợ chồng không thể đoán được tuổi. Thấy chúng tôi, người vợ nở nụ cười rộng rãi và lấy thêm chiếc chiếu trải rộng xuống sàn nhà!
Và tôi đã gặp được nhân vật đặc biệt của tôi, người chồng tên Vọoc Rà Ói! Tôi cũng chẳng hiểu sao ông có cái tên lạ vậy vì con ông, anh của ông đều có họ Đinh còn riêng ông thì bảo tên ông chỉ có vậy! Anh Huỳnh Điện thì gọi ông là Pá Ói. Ông ấn tượng với tôi bởi hình thể nhỏ thó, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hằn không biết bao nhiêu là nếp nhăn, trên sống mũi của ông có một lỗ xuyên thủng bằng đầu ngón tay út đã thành sẹo!
Tôi bắt đầu câu chuyện với ông từ vết sẹo kỳ lạ này.
Và tôi đã lần ra một câu chuyện như là truyền thuyết.
Khi Vọoc Rà Ói đứng còn thấp hơn cái giàn nước thì ở làng Re xảy ra một vụ dịch lớn khiến dân làng chết rất nhiều. Tôi phỏng độ tuổi tác của Pá Ói rồi trừ đi cái tuổi thiếu niên (đứng thấp hơn cái giàn nước) thì hiểu vụ dịch xảy ra vào những năm 30 của thế kỷ trước! Cha mẹ Vọoc Rà Ói cũng chết trong vụ dịch ấy. Nhà Vọoc Rà Ói nghèo lắm, anh em nhà ông không thể sắm nổi chiếc chiếu, chiếc quan tài và con heo để mai táng cha mẹ theo lệ làng… Thấy vậy, lão địa chủ giàu nứt đố đổ vách của làng Re là Đinh Vọoc Roi đã tìm gặp anh em Vọoc Rà Ói mà ngọt nhạt: "Ta sẽ lo hết mọi khoản chôn cất thật tử tế cho cha mẹ hai con và nhận hai con về nuôi nấng. Hai con về ở nhà ta thì cố làm lụng cho giỏi. Mỗi mùa rẫy ta sẽ cho một ít của cải để dành. Khi nào sắm đủ 5 chiếc nồi bảy trả nợ ta sẽ cho về!"
Thế là hai anh em Vọoc Rà Ói trở thành nô lệ của nhà địa chủ Đinh Vọoc Roi. Ngày ngày hai anh em lùa trâu lên rừng vừa chăn trâu vừa phát rẫy trồng lúa, trồng bắp. Cứ đều đặn như thế đến khi Vọoc Rà Ói cao bằng cái giàn nước thì nhà Đinh Vọoc Roi đã trở nên giàu có nhất vùng. Trong nhà có vài chục con trâu, rẫy bắp rẫy lúa bát ngát một vùng rừng và bao nhiêu là chiêng, ché quý! Con cái lão đứa nào trên tay, trên cổ cũng kiềng bạc, cong bạc; áo quần sặc sỡ. Còn anh em Vọoc Rà Ói thì bốn mùa tám tiết dù nắng dù mưa mỗi người cũng chỉ độc một chiếc khố rách. Ngày hai bữa mỗi người chỉ được ăn hai bát củ chuối ghé cơm. Đã thế, ngoài hai buổi chăn trâu, làm rẫy, tối về anh em Vọoc Rà Ói còn phải nấu nước tắm, đấm bóp cho vợ chồng Đinh Vọoc Roi… Đói khổ và cơ cực nên cứ mỗi mùa rẫy trôi qua anh em Vọoc Rà Ói lại nghĩ đến lời hứa năm nào của lão địa chủ Đinh Vọoc Roi! Nhưng chưa bao giờ lão địa chủ nhắc lại lời hứa ấy còn anh em Vọoc Rà Ói lại chẳng dám hé răng.
Làm nô lệ cho nhà Đinh Vọoc Roi được 20 mùa rẫy thì mùa đông năm ấy người anh Đinh Tếp bị một cơn sốt nặng. Mặt nóng bừng, người ê ẩm, tay chân rời rã nhưng không thể không lên rẫy. Thương anh, Vọoc Rà Ói vừa vác rựa, lùa trâu vừa cõng anh đi. Đến nơi, Vọoc Rà Ói để anh nằm nghỉ dưới gốc cây chò còn mình thì cố sức làm hết phần việc của anh rồi lặn lội vào rừng tìm rễ lá làm thuốc cho anh. Nhưng cơn mưa rừng ác nghiệt đã dầm dề tuôn xuống đúng vào lúc đó. Người anh Đinh Tếp đã không chịu thấu và tắt thở vừa khi Vọoc Rà Ói mang thuốc về. Trong đầm đìa nước mưa, sấm chớp và giá lạnh, Vọoc Rà Ói cứ ôm anh khóc than thảm thiết. Khi sực nhớ đến đàn trâu chạy đi gom thì đếm mãi vẫn thấy thiếu một con. Phần căm thù, phần sợ hãi Vọoc Rà Ói đã quyết định bỏ trốn. Anh chạy miết qua 5 ngọn núi hết 2 đêm một ngày thì tìm thấy chiếc hang đá hoang vu bên một dòng suối. Đêm ngủ ngày đi hái trái rừng, đào củ, bắt cá… ăn sống độ nhật. Nhưng cuộc trốn chạy số phận của Vọoc Rà Ói cũng chỉ được 5 ngày. Người nhà Đinh Vọoc Roi tỏa đi tìm kiếm đã bắt được anh về và cột treo anh lên xà nhà đánh đập tàn nhẫn. Đinh Vọoc Roi dùng một cây sắt nung đỏ đâm thủng sống mũi Vọoc Rà Ói như một cảnh báo về kiếp nô lệ của anh sẽ không bao giờ kết thúc!
May mắn sao Cách mạng tháng Tám thành công và đã soi thấu phận người nô lệ giữa rừng sâu núi thẳm này! Vọoc Rà Ói được làm người tự do và đã trở thành công dân lao động giỏi của bản làng!
Nhìn cái vết sẹo sâu hoắm trên sống mũi của Pá Ói và nhìn cái cơ ngơi rất bề thế của gia đình ông năm ấy và tôi đã có một đề tài rất hay cho báo Xuân Nghĩa Bình năm 1987! Bài báo "Truyền thuyết ở đầu nguồn sông Trà" ra đời như thế!
Giờ đây, sau tròn 30 năm tách tỉnh Nghĩa Bình thành Bình Định và Quảng Ngãi, tôi vẫn không sao quên được những chuyến đi về viết báo ở Quảng Ngãi, nhất là chuyến đi về huyện miền núi Sơn Hà này!
Kể chuyện làm báo 30 năm trước chắc không mấy nhà báo trẻ thời nay có thể hình dung được!
QUANG KHANH