THÁNG CAO ĐIỂM DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV/AIDS TỪ MẸ SANG CON (1 - 30.6):
Ngăn chặn lây truyền HIV từ mẹ sang con
Khi những phụ nữ mang thai nhiễm HIV chủ động kiểm tra sức khỏe và điều trị dự phòng lây truyền sớm bằng thuốc ARV, ám ảnh “án tử” treo trên những hài nhi cũng giảm đi nhiều. Ðây cũng là “chìa khóa” mang lại cơ hội sống khỏe mạnh cho nhiều đứa trẻ.
Tư vấn, xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai tại TTYT huyện Hoài Nhơn.
Vỡ òa niềm hạnh phúc
Chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị N.T.H.T (nhiễm HIV) - anh T.Q.D (huyện Hoài Nhơn). Ngôi nhà rộn tiếng cười trẻ thơ của cậu con trai 3 tuổi, niềm vui được nhân lên khi chị T. đang mang thai ở tháng thứ 6. Nhưng đó là câu chuyện ở hiện tại, còn ngược về năm 2016, chị T. bảo giây phút vui mừng và chờ đợi con trai của mình ra đời cũng là lúc chị biết mình mắc HIV.
Ngành Y tế phấn đấu đạt các mục tiêu của Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: trên 30% phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV; 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV; 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được dự phòng sớm bằng ARV tiếp tục theo dõi, chăm sóc sau sinh. Ðiều trị ARV cũng sẽ được thực hiện tại cơ sở y tế huyện, xã để bệnh nhân dễ tiếp cận dịch vụ điều trị, dự phòng sớm HIV.
Đau đớn, tưởng như gục ngã. “Nếu bi quan thì suy sụp rất nhanh” - suy nghĩ đó như có một sức mạnh mãnh liệt, vợ chồng chị T. vào TP Quy Nhơn tìm đến cơ sở điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho con. Bắt đầu chuỗi ngày điều trị bằng thuốc ARV cho mẹ và dự phòng nhiễm HIV cho con, rồi hỗ trợ tư vấn của nhân viên y tế giúp đỡ ổn định tinh thần. 11 tháng trời đằng đẵng, đến khi biết kết quả con mình âm tính với HIV, gánh nặng mới trút xuống được. Chị T. thật thà nói: “Lần mang thai hiện giờ là “vỡ kế hoạch” của hai vợ chồng. Mỗi ngày, tôi vẫn điều trị ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho con, đều đặn mỗi tháng vào Quy Nhơn kiểm tra sức khỏe. Chúng tôi có niềm tin bé sinh ra đời cũng khỏe mạnh”.
Lây nhiễm HIV từ chồng, rồi chồng cũng qua đời, chị N.T.T (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) muốn buông xuôi tất cả, nhưng chính đứa con trở thành nghị lực cho chị tiếp tục sống. “Mặc định trong suy nghĩ rằng vợ chồng đều mắc căn bệnh quái ác nên chắc chắn con gái cũng sẽ chịu chung số phận. Nhưng cuộc sống luôn có những điều bất ngờ. Kết quả điều trị cho thấy con gái hoàn toàn khỏe mạnh!”, chị T. bộc bạch.
Bác sĩ Trần Thị Yến, phụ trách chương trình HIV/AIDS thuộc TTYT huyện Hoài Nhơn cho hay, các bà mẹ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng thuốc ARV tốt thì giảm nguy cơ nhiễm của con xuống dưới 2%, thay vì tỷ lệ nhiễm lên tới 35% - 40% nếu không được điều trị dự phòng kịp thời. Do vậy, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đánh giá tình trạng HIV của phụ nữ mang thai để xác định các can thiệp phù hợp. Những phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm sớm dương tính với HIV được theo dõi, quản lý thai và giới thiệu tiếp cận điều trị ARV sớm, nhằm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ.
Không ít rào cản
Năm 2009, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại Bình Định, đến nay đã phát hiện 24 bà mẹ mang thai nhiễm HIV ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn. Dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho phụ nữ mang thai cũng được triển khai về tận trạm y tế xã, kết hợp với các đợt tiêm ngừa uốn ván cho thai phụ để tư vấn và lấy mẫu máu gửi lên TTYT huyện làm xét nghiệm HIV. Đến nay, toàn tỉnh đã có 17 trẻ sinh ra từ 21 bà mẹ mang thai nhiễm HIV đều khỏe mạnh, không lây nhiễm HIV; 1 bé đang tiếp tục điều trị.
“Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đánh giá tình trạng HIV của phụ nữ mang thai để xác định các can thiệp phù hợp”
Mặc dù dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn Trần Thị Lệ Kiều nêu vấn đề: Việc xã hội hóa xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai bị vướng khi Luật Phòng chống HIV/AIDS quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV thì được miễn phí, nhưng phải thực hiện bằng nguồn quỹ BHYT theo Thông tư 15/2015/TT-BYT.
Ở một góc nhận định khác, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Thanh Truyền cho hay, theo Luật Phòng chống HIV/AIDS, phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV thì được miễn phí nhưng lại phụ thuộc vào nguồn kinh phí để triển khai. Mỗi năm, Bình Định có khoảng 18.000 phụ nữ mang thai, nếu làm xét nghiệm miễn phí (hơn 50.000 đồng/mẫu) thì không kham nổi kinh phí. Ở kênh BHYT, việc thanh toán xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai chỉ được phê chuẩn khi bác sĩ đánh giá rõ trường hợp đó có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và có chỉ định.
Trong khi đó, ở khía cạnh xã hội, nhận thức của một số phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn thấp. Rào cản kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV khiến nhiều phụ nữ từ chối xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, thậm chí từ chối các dịch vụ chăm sóc thai sản, dịch vụ y tế, phòng lây truyền HIV sang con!
Mong có thêm những chia sẻ
“Làm cha mẹ không ai mong con mình lâm vào hoàn cảnh bệnh tật như vậy cả. Vì thế, chúng tôi chỉ mong cộng đồng hãy mở rộng tấm lòng để những bà mẹ có HIV khi mang thai có thêm sự sẻ chia, tự tin để chủ động tiếp cận đầy đủ dịch vụ y tế, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bây giờ người đời nhìn căn bệnh HIV có thoáng hơn, song chúng tôi vẫn mong muốn mọi người có tấm lòng bao dung hơn”.
Chị N.T.T, bệnh nhân HIV/AIDS ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn)
MAI HOÀNG