Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Với Quy Nhơn tôi có nhiều kỷ niệm không quên
Là tác giả của ca khúc “Bình yên Quy Nhơn” vừa được giới thiệu qua tiếng hát của ca sĩ Bằng Kiều trong một MV được thực hiện khá công phu, từ lâu nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã trở nên thân thuộc đối với người dân Quy Nhơn - Bình Ðịnh. Trở lại phố biển lần này, Nguyễn Thụy Kha đã dành cho PV báo Bình Ðịnh cuộc trò chuyện về những kỷ niệm, ấn tượng về đất và người Quy Nhơn - Bình Ðịnh.
* Thưa anh, cơn gió nào lại đưa anh trở lại Quy Nhơn?
- Tôi đi Quy Nhơn lần này là thực hiện việc làm mới ca khúc “Quy Nhơn - thành phố thi ca”. Đồng thời, tôi cũng tranh thủ thời gian tham quan khu vực Nước Mặn, tiểu chủng viện Làng Sông (Tuy Phước)… Số là thế này, cách đây không lâu, tôi có gặp ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh. Trong lúc trò chuyện, ông Trung ngỏ lời muốn mời ca sĩ Bằng Kiều thể hiện ca khúc “Quy Nhơn - Thành phố thi ca” để công chúng biết đến Quy Nhơn nhiều hơn. Từ ý tưởng đó, chúng tôi thảo luận, trao đổi với nhau khá nhiều, kết quả tôi nhất trí đổi tên ca khúc “Quy Nhơn - thành phố thi ca” thành “Bình yên Quy Nhơn”.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (ở giữa) và bạn bè ở Quy Nhơn.
* Còn chuyến khảo sát khu vực Nước Mặn, tiểu chủng viện Làng Sông?
- Cùng với họa sĩ Lê Thiết Cương, tôi đã đến Làng Sông. Mục đích của tôi là chuẩn bị thực hiện một cuốn sách về một trong những cái nôi của chữ Quốc ngữ… Thật xúc động! Tôi đã viết ngay một bài thơ “Quy Nhơn đêm”, trong đó có câu “Đêm Quy Nhơn bổi hổi/Nước Mặn và Làng Sông/Chữ Việt bao trôi nổi/Quy tụ vào Quy Nhơn”…
* Xem ra anh bội thu trong chuyến trở lại Quy Nhơn, nhỉ?
- Đúng vậy. Trở lại Quy Nhơn lần này, tôi lại có thêm những người bạn mới và nhờ vậy đã viết được những tác phẩm mới… Đó là bài thơ viết tặng CCB Gạc Ma Lê Minh Thoa; một ca khúc phổ thơ của nhà thơ Mai Thìn; một bài thơ tặng nhà thơ Thanh Thảo; một bài viết về văn học trẻ Bình Định…
Bài thơ do tác giả Nguyễn Thụy Kha chép tặng chiến binh Gạc Ma Lê Minh Thoa.
Tôi cũng gặp gỡ nhiều bạn bè Quy Nhơn và bất ngờ được gặp Lê Minh Thoa, một trong 9 cựu binh còn sống sót sau trận hải chiến Gạc Ma. Đối với tôi, Lê Minh Thoa là một anh hùng. Tối hôm đó, sau cuộc vui, tôi được Thoa chở về khách sạn bằng xe máy. Ngay đêm hôm đó, tôi đã viết tặng Thoa bài thơ “Ngồi sau người anh hùng vô danh” - “Ngồi sau người anh hùng vô danh là tôi Nguyễn Thụy Kha nghệ sĩ/Đêm Quy Nhơn chạy lùi về tuổi trẻ/Bi tráng thuở Gạc Ma”…
* Còn về bài thơ của Thanh Thảo?
- Chuyện là thế này. Buổi sáng hôm đó, tôi đã đến ăn sáng tại quán phở Trường Sa - Gạc Ma của Lê Minh Thoa ở đường Tăng Bạt Hổ - TP Quy Nhơn. Sau đó, tôi và Thoa đến uống cà phê gần khu nhà tập thể Trần Bình Trọng. Bạn có biết không, hơn 30 năm trước người ta quen gọi đó là “khu liên cơ” và tôi từng tá túc trong căn hộ của nhà thơ Thanh Thảo. Giờ đây, khu chung cư đã xuống cấp nhưng có vì vậy mà bao nhiêu kỷ niệm thân thương năm xưa lại ùa về… Tôi nhắn tin cho Thanh Thảo “nhìn nhà chúng ta từng ở lở lói. Buồn lạ”… Bất ngờ, ngay tối hôm đó, Thanh Thảo hoàn thành bài thơ “Những bức tường như số phận chúng ta”. Bài thơ mở đầu với những câu “Ba mươi năm rồi bạn ơi/Tôi bong tróc như bức tường từng ở/Những di dân đâu thảnh thơi như gió/Đâu tươi vui như cuộc đổi đời”… Bạn thấy đấy! Quy Nhơn êm đềm quá, thân thương quá! Làm sao tôi có thể quên những kỷ niệm về thành phố biển này…
* Anh có nhận xét về văn học trẻ Bình Định?
- Vâng, tôi đã đọc tuyển tập “Văn trẻ Bình Định 2012 - 2018”. Tôi thật sự bất ngờ trước những tác phẩm văn chương của các tác giả trẻ Bình Định. Có thể nói, đây là một thế hệ văn chương khác hoàn toàn với văn chương thời hậu chiến kéo dài chừng vài thập kỷ qua… Đây sẽ là “những gương mặt thời bình” của Bình Định.
* Cảm ơn anh và chúc anh có thêm những sáng tác hay về Quy Nhơn - Bình Định!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)