Tinh gọn để hoạt động hiệu lực, hiệu quả - Kỳ 1: Từ yêu cầu thực tiễn
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề quan trọng đang được quan tâm triển khai. Ðảm bảo hiệu lực, hiệu quả cao nhất là đích đến cuối cùng.
Kỳ 1: Từ yêu cầu thực tiễn
Bộ máy cồng kềnh, nhiệm vụ chồng chéo…, nhiều hạn chế, bất cập đã tồn tại trong thời gian dài, đặc biệt là với hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tiễn đó đòi hỏi phải có một cuộc “đại phẫu”.
Chồng chéo, phân tán
Bình Định cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, ở tuyến tỉnh có nhiều đơn vị y tế dự phòng làm đầu mối về công tác kiểm soát, phòng chống bệnh tật, dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, khó khăn khi cần phối hợp trong công tác. Điển hình, ngoài Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, các TTYT dự phòng tuyến tỉnh khác như Trung tâm Phòng chống sốt rét và các bệnh nội tiết, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng thực hiện nhiệm vụ truyền thông theo từng lĩnh vực phụ trách.
Hệ thống tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ cần thay đổi để tránh chồng chéo trong quản lý.
- Trong ảnh: Lấy máu gót chân để sàng lọc sơ sinh tại TTYT huyện Hoài Nhơn. Ảnh: VĂN TRANG
“Mặt khác, công tác y tế dự phòng ở tuyến huyện chỉ có 1 đầu mối (TTYT huyện) nhưng chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của nhiều đơn vị tuyến tỉnh về chuyên môn nghiệp vụ, dẫn tới sự thiếu thống nhất, phân tán... Ngoài ra, sự tồn tại của nhiều trung tâm sẽ lãng phí đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất do phải chia nhỏ, dàn trải, gây cản trở tới sự phát triển của mỗi đơn vị và hiệu quả công tác kiểm soát bệnh tật trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng phân tích.
Trong khi đó, với nhiệm vụ DS-KHHGĐ, người phụ trách ở tuyến xã là nhân viên trạm y tế xã (thuộc sự quản lý của TTYT huyện), nhưng chuyên môn lại do Trung tâm DS-KHHGĐ huyện chỉ đạo, hướng dẫn. Đó là chưa kể, công tác dân số trong thời gian tới sẽ chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Bình Định sẽ tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề cơ cấu - chất lượng dân số, quản lý - phân bố dân cư và duy trì quy mô dân số. Vì vậy, nhất thiết phải thành lập Phòng Dân số thuộc TTYT huyện trên cơ sở sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào TTYT.
Cầm chừng, mờ nhạt
Với lĩnh vực dạy nghề, trước đây, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh và Tỉnh đoàn hoạt động theo chỉ đạo của cấp trên, hướng dẫn về GDNN của Sở LĐ-TB&XH. Hoạt động của cả 3 trung tâm đều theo hướng cầm chừng với nhân lực chưa đến 10 người/trung tâm, nguồn thu nhập phần lớn dựa vào kinh phí của Nhà nước và nguồn cho thuê cơ sở vật chất làm dịch vụ.
Ông Trần Hữu Hiệu - nguyên Giám đốc Trung tâm GDNN và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh, hiện là Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm GDNN tỉnh - thừa nhận: “Lúc đó, các trung tâm “sống” được nhưng không có thương hiệu về đào tạo nghề, không tạo được dấu ấn cho người lao động và DN”.
Tương tự, hệ thống các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh trước đây cũng có sự chồng chéo về ngành, nghề đào tạo. Các trường Trung cấp: Kỹ thuật công nghệ Hoài Nhơn, Thủ công mỹ nghệ Bình Định, Kinh tế kỹ thuật Bình Định đều chưa tạo dựng được thương hiệu trên lĩnh vực riêng, trong khi lại có những ngành nghề đào tạo chung như: công nghệ thông tin, kỹ thuật chế biến món ăn, thú y.
Từ năm 2017, khi điểm sàn hạ thấp, nhiều trường đại học “rộng cửa” hơn với người học bằng cách xét tuyển qua học bạ THPT, công tác tuyển sinh của các trường trung cấp nghề đã khó càng thêm ngặt. Một số ngành không thể mở lớp vì thiếu học viên. Điểm chung của các trường này là cơ ngơi kiên cố, đầu tư tương đối quy mô nhưng lại thưa thớt người học.
Đi từ “kim chỉ nam”
Những tồn tại, hạn chế đó đã diễn ra trong thời gian dài. Không phải lãnh đạo tỉnh không hay biết, song để “cải tạo” một cách đồng bộ thì phải cần có chủ trương, cơ chế đúng đắn, toàn diện, mang tầm chiến lược.
Thời cơ đã đến khi Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) cho ra đời Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL)”. Ngày 15.3.2018 và ngày 4.6.2018, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 26-KH/TU và số 35-KH/TU để thực hiện 2 nghị quyết nói trên.
Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn, đây chính là “kim chỉ nam” quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương cùng bắt tay vào cuộc.
Không rập khuôn, máy móc
“Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề hệ trọng. Quá trình thực hiện phải căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tiễn của từng ngành, từng địa phương trong tỉnh, không áp dụng rập khuôn, máy móc cách làm của các nơi khác. Xây dựng bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh thực sự tinh gọn, nhưng quan trọng là phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy LÊ KIM TOÀN
Theo Kế hoạch số 26-KH/TU, các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình đáng chú ý là xác định số lượng biên chế, số lượng lãnh đạo cấp phó các cơ quan trong hệ thống chính trị trên nguyên tắc xác định rõ vị trí việc làm, giảm cấp phó và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Thực hiện giảm đầu mối trực thuộc các ban, sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và cơ cấu bên trong của từng tổ chức trực thuộc. Không thành lập mới tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả; sắp xếp lại, giảm tối đa số lượng các đầu mối cơ quan tham mưu, giúp việc. “Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về tổ chức bộ máy để khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động”, Kế hoạch nêu rõ.
Trong khi đó, Kế hoạch số 35-KH/TU đặt ra yêu cầu sắp xếp, tổ chức lại đơn vị SNCL nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trong đó, phải xác định rõ chỉ tiêu giảm đầu mối các đơn vị SNCL cho từng năm theo nguyên tắc 1 đơn vị có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập. Bên cạnh đó là đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện, trường học). Trong trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị SNCL thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu).
Đông nhưng không mạnh
Tính đến tháng 12.2017, toàn tỉnh có 25.458 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và một số chức danh chuyên ngành khác hưởng phụ cấp ở cấp xã, thôn. Kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy, việc bố trí công việc cho đội ngũ này chưa phù hợp, hiệu quả công việc không cao, “đông nhưng không mạnh”.
Từ tình trạng đó, ngày 20.7.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 41/QÐ-UBND quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh. Theo tiến độ đề ra, từ ngày 1.1 đến 31.12.2019, mỗi huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện thí điểm ít nhất 30% số đơn vị hành chính cấp xã; từ ngày 1.1.2020 sẽ thực hiện đối với các đơn vị còn lại. Mục tiêu sau khi thực hiện sẽ giảm tối thiểu 2.161 người hoạt động không chuyên trách.
Ðến nay, đã có 92/159 xã, phường, thị trấn xây dựng đề án tinh gọn lực lượng hoạt động không chuyên trách; 24 xã, phường, thị trấn đã thực hiện.
VĂN TRANG - QUỲNH HOA - NGUYỄN PHÚC - NGUYỄN MUỘI
(Đón xem kỳ 2: Chuyển động tích cực, Báo Bình Định ngày 18.6)