SIPAS 2018: Nhìn lại để đi tới
Kết quả khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh năm 2018 vừa được công bố giúp cho cơ quan hành chính nhà nước “soi lại mình” để nỗ lực hơn nữa.
Hoài Nhơn là huyện có mức tăng SIPAS cao nhất với 2,56 điểm.
- Trong ảnh: Tiếp nhận thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Hoài Nhơn.
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) là nguồn thông tin khách quan về kết quả cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Hoạt động khảo sát được thực hiện qua điều tra xã hội học với 4.200 phiếu, phân bổ cho 33 cơ quan Trung ương theo ngành dọc, cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND cấp huyện.
Chuyển biến tích cực
Theo kết quả khảo sát, SIPAS trung bình năm 2018 đối với 5 cơ quan Trung ương theo ngành dọc là 7,61/10 điểm, 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là 8,31/10 điểm và 11 huyện, thị xã, thành phố là 8,71/10 điểm. Kết quả đo lường chỉ số hài lòng này góp phần đánh giá được toàn diện về chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan có hoạt động dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh.
SIPAS năm 2018 (xếp theo thứ tự từ cao đến thấp):
* Cơ quan Trung ương theo ngành dọc: Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, BHXH, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước.
* Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh: Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở GD&ÐT, Sở NN&PTNT, Sở GTVT, Sở Nội vụ, Sở Công Thương, Sở TT&TT, Sở KH&CN, Sở VH&TT, Sở KH&ÐT, Sở LÐ-TB&XH, Sở Du lịch, Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Tư pháp, Sở TN&MT, Sở Y tế.
* UBND cấp huyện: Vân Canh, Phù Cát, Hoài Ân, An Lão, Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Quy Nhơn.
Đi vào cụ thể, SIPAS năm 2018 bình quân của 5 cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh tăng 1,47 điểm so với năm 2017. Có 4 cơ quan tăng điểm, trong đó Hải quan tăng cao nhất với 3,9 điểm. Kho bạc Nhà nước giảm 0,19 điểm.
Với 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, SIPAS bình quân năm 2018 tăng 0,81 điểm so với năm 2017. Trong 14 cơ quan tăng điểm, cao nhất là Sở GD&ĐT tăng 2,47 điểm. Trong 3 cơ quan giảm điểm, đáng kể nhất là Sở TN&MT với 1,42 điểm.
Còn 11 huyện, thị xã, thành phố, SIPAS bình quân năm 2018 tăng 0,94 điểm so với năm ngoái. Trong 8 huyện tăng điểm, cao nhất là Hoài Nhơn tăng 2,56 điểm. Trong 3 địa phương giảm điểm, nhiều nhất là TP Quy Nhơn giảm 0,23 điểm.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh Trương Quang Phong, nhìn chung, SIPAS năm 2018 cho thấy sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh có sự tiến bộ hơn năm 2017. Tuy nhiên, nhóm tiêu chí “thủ tục hành chính” lại giảm mức độ hài lòng.
“Vẫn còn thủ tục rườm rà, cách tiếp cận dịch vụ vẫn chưa dễ dàng, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của người dân, tổ chức; thái độ giao tiếp của công chức, viên chức ở một số cơ quan chưa đúng chuẩn mực...”, ông Phong phân tích.
Tiếp tục phát huy kết quả
Kế thừa những kinh nghiệm và nền tảng kỹ thuật trong cuộc khảo sát các năm trước nên quá trình chuẩn bị và tổ chức thực hiện năm nay được đảm bảo. Theo ông Nguyễn Thanh Vũ, Quyền Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ), sự phối hợp tích cực của 3 đầu mối là cơ quan chủ trì (Sở Nội vụ), cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh) và cơ quan, địa phương được lựa chọn khảo sát là yếu tố quan trọng để cuộc khảo sát được tiến hành đúng tiến độ và có độ chính xác cao.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế. Người dân rất ngại bày tỏ quan điểm trực tiếp với điều tra viên. Một số đối tượng điều tra đại diện cho các tổ chức, các đơn vị nhà nước tỏ thái độ không hợp tác, không trả lời phiếu hoặc trả lời một cách hời hợt. Cơ quan được khảo sát còn cung cấp thông tin chưa chính xác, sai lệch chủ yếu là địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Do đó, mất nhiều thời gian tìm kiếm và tốn chi phí tổ chức khảo sát.
Ông Trương Quang Phong cho rằng, thời điểm khảo sát và thời điểm phát sinh giao dịch của người dân, tổ chức có khoảng cách khá xa nên các đối tượng không nhớ được cụ thể quá trình làm thủ tục. Từ đó, có tâm lý vì mọi chuyện đã xảy ra và hồ sơ cuối cùng cũng được giải quyết nên đánh giá “hài lòng”.
Thêm vào đó, lĩnh vực khảo sát thuộc phạm vi hành chính công giữa các cơ quan không giống nhau và có sự khác biệt về mức độ phức tạp (có thủ tục liên thông với một số cơ quan hành chính khác), nên khả năng cảm nhận và hiểu hết nội dung phiếu khảo sát có sai khác đáng kể. Yếu tố khách quan này ảnh hưởng đến SIPAS năm 2018 giữa các cơ quan được khảo sát, đánh giá.
Do đó, mẫu phiếu điều tra cần tiếp tục được điều chỉnh nội dung phù hợp hơn đối với các cơ quan Trung ương. Lĩnh vực khảo sát cần lựa chọn theo nhóm thủ tục có cùng thời gian giải quyết, tương đồng về tính chất phức tạp hoặc mức độ liên thông giữa các cơ quan hành chính. Từ đó xác lập căn cứ đánh giá, so sánh phù hợp giữa các cơ quan, địa phương.
NGUYỄN VĂN TRANG