Trợ lực cho nông dân phát triển kinh tế
Cùng với việc huy động các nguồn vốn để giải quyết vốn vay, các cấp Hội nông dân trong tỉnh còn tư vấn cho hội viên lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con đầu tư phát triển kinh tế hộ.
Cũng như bao hộ gia đình nghèo khác, vì thiếu vốn đầu tư, ông Lê Văn Lương, ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, rất đắn đo mỗi khi lựa chọn phương án đầu tư phát triển kinh tế. Đến năm 2014, khi được Hội Nông dân (HND) huyện Phù Cát hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH với lãi suất ưu đãi, ông quyết định đầu tư nuôi bò. “Bò dễ nuôi, ít đau bệnh, đầu ra thuận lợi và dễ sinh lời hơn các loại vật nuôi khác. Hơn nữa, phân bò còn có thể dùng để cải tạo đất trồng các loại cây trồng cạn, nên tôi quyết định sử dụng vốn vay mua 2 con bò giống về nuôi. Sau 2 năm chăm sóc, tôi đã có thu nhập gần 40 triệu đồng và tiếp tục đầu tư mua thêm 2 con bò giống về thả nuôi. Nhờ phát triển chăn nuôi kết hợp sản xuất cây trồng cạn, gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, các con có điều kiện ăn học đầy đủ”, ông Lương chia sẻ.
Ông Đinh Văn Khuân, ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, đang chăm sóc cây giống lâm nghiệp để bán cho nông dân ở địa phương trồng rừng sản xuất.
Cũng được HND hỗ trợ vay vốn, nhưng hộ ông Đinh Văn Khuân, ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, được vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) để mua máy móc phục vụ sản xuất. “Đất đai thì rộng nhưng nhà chỉ có 2 lao động chính, muốn không để đất trống thì phải thường xuyên canh tác, xen canh hoặc luân canh các loại cây trồng, mà canh tác trên diện tích lớn thì lao động chân tay không kham nổi. Nghĩ vậy tôi đã vay vốn để mua máy cày, máy bừa phục vụ sản xuất. Có máy móc, tôi chủ động được thời vụ, kế hoạch sản xuất, giảm được công lao động, có điều kiện phát triển sản xuất. Trên 7 ha đất, tôi sử dụng 3 ha để trồng cây lâm nghiệp, 1,5 ha trồng điều, 1 ha trồng chuối, diện tích còn lại trồng bí đỏ, đậu xanh và các loại cây trồng cạn khác. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu lãi 100 triệu đồng”, ông Khuân cho biết.
Xác định việc giải quyết vốn vay cho nông dân đầu tư phát triển kinh tế hộ vừa là trách nhiệm vừa là giải pháp đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng của các cấp HND đối với hội viên, từ năm 2003 HND tỉnh và Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Bình Định, Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Bình Định đã ký kết thực hiện Chương trình phối hợp giải quyết vốn vay ưu đãi cho nông dân phát triển sản xuất. Để nguồn vốn nhanh chóng đến với nông dân, HND tỉnh thành lập các tổ vay vốn ở cơ sở để tiếp nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân hàng. Bên cạnh đó, xây dựng Quỹ HTND để có thêm nguồn vốn giải quyết vốn vay cho nông dân. Đến nay, có 33.647 lượt hội viên HND đã được vay trên 1.400 tỉ đồng từ các nguồn vốn nói trên với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Các cấp HND còn tư vấn cho hội viên lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; phối hợp với ngành chức năng của tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế.
Là người thường xuyên kiểm tra, giám sát việc giải quyết vốn vay và sử dụng vốn vay của hội viên ở các địa phương, ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch HND tỉnh, nhìn nhận: Phần lớn hội viên đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, có thu nhập khá. Thông qua chương trình, hàng chục nghìn lao động có việc làm thường xuyên. Tinh thần đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở khu vực nông thôn ngày càng được phát huy, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Và một khi lợi ích chính đáng của hội viên được quan tâm, giải quyết thì ngày càng có nhiều nông dân tham gia vào tổ chức HND.
PHẠM TIẾN SỸ