Gia tăng trẻ rối loạn sức khỏe tâm thần
Rối loạn tâm thần ở trẻ em như tăng động, tự kỷ, lo âu, stress sau sang chấn... ngày càng gia tăng; trong khi đó việc nhận biết, phát hiện, điều trị sớm gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Trẻ cô độc trong thế giới của mình
Vào lớp 1, sự nghịch ngợm của bé N.T.H (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) càng lộ rõ. H. thường bị cô giáo phàn nàn vì không tập trung, không nghe lời và gần như không ngồi yên một chỗ. Ban đầu, chị Ngọc Hương - mẹ bé cho rằng, bé hiếu động là chuyện bình thường. Nhưng tần suất hoạt động của H. ngày càng cao, chị Hương đưa con đến một phòng khám sức khỏe tâm thần tại TP Quy Nhơn thì được bác sĩ chẩn đoán bé bị tăng động giảm chú ý. “Nhà có mỗi con trai, cháu trai nên vợ chồng tôi, ông bà cưng chiều. Bé muốn gì được nấy, không được đáp ứng thì phá phách, la hét, chứ cũng không biết bé có vấn đề về tâm thần”, chị Ngọc Hương chia sẻ.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh tư vấn điều trị cho trẻ bị rối loạn hành vi.
Cuối năm học lớp 10, cậu con trai L.T.S một hai đòi nghỉ học, nghĩ do sức khỏe yếu (mệt mỏi, ít tiếp xúc với xung quanh), vợ chồng anh L.T.H (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) đưa con vào TP Hồ Chí Minh chạy chữa đủ kiểu nhưng không chuyển biến. Chỉ khi miễn cưỡng đưa con đến bác sĩ tâm thần, vợ chồng anh H. sốc khi biết con mình mắc bệnh tự kỷ.
Theo bác sĩ Châu Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, hai trường hợp nêu trên là những biểu hiện trong muôn hình vạn trạng vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ, đặc biệt trẻ độ tuổi đi học. Kết quả nhiều nghiên cứu đưa ra con số đáng báo động: khoảng 10% - 20% trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần cần được theo dõi, tư vấn và điều trị. Nhiều cha mẹ có con thể hiện những hành vi bất thường trong thời gian dài nhưng không nhận ra, hoặc cho rằng con mình có… cá tính. Hay đơn giản, những cái chun mũi, nháy mắt, tặc lưỡi… rất đáng yêu của trẻ nhỏ nhưng liên tục lặp lại thì nghĩa là trẻ đã mắc chứng rối loạn Tic.
“Trẻ mắc các rối loạn tâm thần có xu hướng ngày càng gia tăng, trong các yếu tố gây ảnh hưởng thì sự cô lập là nguyên nhân quan trọng; ngoài ra còn do thói quen sử dụng internet quá nhiều, gia đình quá nghiêm khắc, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ, nỗi lo sợ bị la mắng, bạo hành gia đình, thiếu hụt tình cảm cha mẹ… “Bệnh thành tích” trong học tập từ phía gia đình và nhà trường cũng làm khởi phát bệnh ở trẻ”, bác sĩ Châu Văn Tuấn lưu ý.
Đừng gây áp lực lên trẻ
Các bác sĩ khuyến cáo, sức khỏe tâm thần đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển khả năng trí tuệ và phát triển về mặt xã hội, tạo sự cân bằng về tâm lý tình cảm, giúp xây dựng, hình thành một nhân cách lành mạnh, sáng tạo và chủ động. Chăm sóc tốt sức khỏe tâm thần cho trẻ là giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Khi đã mắc các vấn đề về rối loạn tâm thần, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém thời gian, chi phí. Dù vậy, đến nay Bệnh viện Tâm thần tỉnh vẫn chưa có khoa điều trị tâm thần trẻ em. Trong khi đó, hầu hết trường học chưa có chuyên gia tâm lý, sức khỏe tâm thần. Trong “công thức” điều trị, thuốc chỉ có 30% tác dụng, 50% từ liệu pháp tâm lý và 20% là giáo dục từ gia đình.
“Trẻ không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến nguy cơ bỏ học, vi phạm pháp luật, thậm chí nghĩ đến chuyện tự tử… Hệ lụy nữa là nhiều cha mẹ trẻ sau thời gian theo đuổi điều trị cho con cũng mệt mỏi, có các triệu chứng trầm cảm dẫn đến gia tăng stress ở cha mẹ”, bác sĩ Trương Quốc Bình, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cho hay.
Để hạn chế tình trạng trẻ mắc rối loạn tâm thần, quan trọng là thông tin tuyên truyền rộng rãi để nâng cao nhận thức cộng đồng; đầu tư mạnh nguồn lực cho sự phát triển của ngành tâm thần trẻ em của tỉnh. “Quan trọng nhất là cha mẹ phải có kiến thức phổ thông để nhận biết những bất thường về sức khỏe tâm thần ở trẻ; học cách chấp nhận để giúp con điều trị kịp thời. Gia đình và nhà trường phải kết hợp chặt chẽ trong chăm sóc, giáo dục trẻ; tuyệt đối không tạo áp lực cho trẻ, nhất là trẻ đang ở trong độ tuổi vị thành niên rất dễ bị kích động”, bác sĩ Châu Văn Tuấn nhấn mạnh.
MAI HOÀNG