“Cấm tiệt” rượu, bia khi lái xe: Cử tri ủng hộ
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã đồng ý bổ sung quy định “đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông” vào Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020. Quyết định này nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri cả nước, trong đó có cử tri Bình Ðịnh.
Cảnh sát giao thông, CA tỉnh kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe gắn máy.
Lái xe khi say xỉn là tội ác
TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra luôn chiếm tỷ lệ cao. Đơn cử, vụ tai nạn xảy ra vào chiều ngày 11.4 tại TP Quy Nhơn - một người lái ô tô đã đâm thẳng vào đám tang làm 4 người chết, 6 người bị thương nặng. Nồng độ cồn khi đó của lái xe vượt quy định (hơn 0,3 miligam/lít khí thở). Lái xe khi say xỉn là tội ác. Và việc Quốc hội thông qua Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia với quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, theo tôi là điều cần thiết. Ngoài ra, Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cũng có nhiều điểm mới trong quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia so với trước đây. Đây được xem là những chế tài khá mạnh đối với việc sử dụng rượu, bia tràn lan, thiếu kiểm soát hiện nay.
(Anh Hồ Duy Tùng, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước)
Quyết định hợp lòng dân
Tôi ủng hộ quyết định hợp lòng dân này, bởi 3 lý do chính: An toàn cho người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông; đảm bảo sức khỏe cho mọi người dân; góp phần đảm bảo tình hình ANTT. Bởi lẽ, lâu nay đã có rất nhiều vụ ẩu đả, chống người thi hành công vụ… cũng xuất phát từ việc đối tượng tham gia giao thông đã sử dụng rượu, bia.
Tôi cũng mong muốn, sau khi Quốc hội đã thông qua Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, trong đó bổ sung quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn, các bộ, ngành liên quan cũng cần có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện quy định này, tránh “vênh” với nội dung tương tự tại Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Luật Giao thông đường bộ quy định lái xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường thì tuyệt đối không được uống rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở không được có nồng độ cồn). Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chỉ được uống ở mức pháp luật cho phép - nồng độ cồn trong máu không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Như vậy, một trong những điểm mới của Dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia là cấm uống rượu, bia với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (còn với tài xế ô tô thì luật hiện hành đã cấm).
(Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng CSGT, CA tỉnh)
Mong TNGT liên quan đến rượu, bia sẽ giảm
TNGT liên quan đến rượu, bia thời gian qua diễn biến khá phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Bình Định. Phải thấy rằng, những vụ TNGT liên quan đến rượu, bia để lại hậu quả rất lớn, đặc biệt là những vụ người điều khiển ô tô gây tai nạn. Việc ban hành Luật với các biện pháp mạnh mẽ sẽ góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Tôi cũng hy vọng, người dân sẽ nhận thức rõ hơn về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và mối nguy hại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trước đó có uống rượu, bia. TNGT giảm thì gánh nặng cho gia đình, xã hội và ngành Y tế cũng sẽ giảm.
(Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế)
TRỌNG LỢI (ghi)