“Tổng Bí thư chỉ đạo sát sao, kỹ lưỡng cho đại hội đảng bộ các cấp”
Sự chỉ đạo kỹ lưỡng như vậy của Tổng Bí thư sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ các cấp ủy trở thành cơ quan quyền lực riêng của các dòng họ, các gia tộc.
Trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tại Hội nghị Trung ương 10, trong phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra những vấn đề cần phải tập trung, quan tâm. Không lâu sau đó, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước tiếp tục có bài viết cụ thể hóa những nội dung, vấn đề Đại hội Đảng bộ các cấp cần đặc biệt chú trọng. Có thể xem những công việc đó như một cách chỉ đạo rất sát sao của người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (Ảnh: TTXVN)
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, người sáng lập InvestConsult Group (Công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh) cảm nhận, không chỉ chỉ đạo rất sát sao, cụ thể cho công tác tổ chức đại hội cấp cơ sở mà Tổng Bí thư đang triển khai cả những công việc quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng. Tổng Bí thư chỉ đạo tỉ mỉ, chi tiết với một thái độ dứt khoát như thế thì “còn có thể chạy vào đâu được nữa”.
“Tôi tin như thế, tất nhiên có thành công hay không còn do sự đồng thuận giữa ý chí của Tổng Bí thư với ý chí của các Đảng bộ cơ sở, với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Xét trên tổng thể, có thể hình dung Tổng Bí thư đang chỉ đạo một chiến dịch lớn để thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn trên quy mô rất rộng của Đảng. Đây là công việc “khổng lồ”, là hoạt động chiến lược quan trọng nhất, bước đầu của hoạt động xây dựng Đảng”, vị chuyên gia khẳng định.
Theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, sự chỉ đạo kỹ lưỡng như vậy của Tổng Bí thư sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ các cấp ủy trở thành cơ quan quyền lực của riêng các dòng họ, các gia tộc, các nhóm lợi ích và các tổ chức chống phá ẩn giấu trong Đảng. Ông cũng cho rằng, cần tổ chức một bộ phận để hỗ trợ, giám sát chất lượng các đại hội ở các đảng bộ cơ sở.
Một trong những nội dung mà vị chuyên gia đặc biệt tâm đắc trong các phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư để chuẩn bị Đại hội các cấp đó là phải tập trung để làm văn kiện chứ không chỉ chăm chăm vào nhân sự.
“Bởi nhân sự chính là bộ máy, nhưng sức sống của bộ máy lại là những nghị quyết. Bộ máy của Đảng ở các cấp sinh ra để triển khai các nghị quyết của Đảng. Việc chuẩn bị các văn kiện là chuẩn bị chương trình hành động cho các đảng bộ. Nếu không có cán bộ tốt, không có cấp ủy tốt, không có lãnh đạo tốt thì không thể thực hiện được các nghị quyết; nhưng ngược lại không có nghị quyết, cán bộ sẽ làm gì”.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt phân tích và cho rằng, nghị quyết và cán bộ là 2 mặt của hoạt động chính trị, nhưng nghị quyết phải đi trước. Tầm nhìn của các nghị quyết, các văn kiện chính là chương trình hành động của các cán bộ được lựa chọn. Lựa chọn cán bộ để triển khai nghị quyết thì trước tiên phải có nghị quyết tốt.
“Phải nói rằng, cách nghĩ như thế chặt chẽ đến mức không thể chệch vào đâu được”, ông Bạt khẳng định.
Ông Bạt nêu rõ, muốn có được các nghị quyết, văn kiện tốt phải dựa trên cơ sở khoa học thông qua phân tích đầy đủ các khuynh hướng xã hội, các tiềm lực xã hội, các ham muốn phát triển của xã hội. Nếu không có nghị quyết tốt, cán bộ sẽ rất vất vả, mày mò. Thời kỳ chúng ta đang sống không có thời gian cho sự dò dẫm, do dự. Muốn vậy thì phải có các nghị quyết thật tốt. Phải lãnh đạo xã hội bằng trí tuệ của Đảng, trí tuệ đó tập trung chủ yếu ở các nghị quyết, đường lối, các văn kiện cơ bản.
Tuy nhiên, ông Bạt cũng cho rằng, công tác chính trị của Đảng không chỉ phụ thuộc vào nghị quyết mà còn cần sự trong sáng của cán bộ. Nếu Đảng được cung cấp những cán bộ có đạo đức, thì các nghị quyết cung cấp cho Đảng các khuynh hướng để chỉ đạo sự phát triển, các chương trình chính trị của các cấp ủy.
“Phân tích như vậy để thấy rằng, Đảng ta đã có sự chuẩn bị không chê vào đâu được. Là một công dân, một nhà khoa học, tôi vô cùng cảm động trước sự cẩn thận, chín chắn của Tổng Bí thư cũng như BCH Trung ương Đảng. Tôi mong muốn lãnh đạo Đảng sẽ tiến hành đại hội các cấp ủy một cách tốt nhất để hệ thống chính trị có “chân đế” tốt, là cơ sở để lựa chọn bộ máy lãnh đạo trung ương tốt, hoàn thiện chất lượng hệ thống chính trị. Chỉ khi nào hệ thống chính trị được hoàn thiện có chất lượng chúng ta sẽ có tương lai”, ông Bạt bày tỏ./.
Theo Hà Thanh (VOV.VN)