Tuy Phước:
Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững
Gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XX, gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay sản xuất nông nghiệp và diện mạo nông thôn của huyện Tuy Phước có nhiều khởi sắc.
Trên lĩnh vực trồng trọt, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt lịch thời vụ, các loại cây trồng và cơ cấu giống; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả một số chính sách đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Toàn huyện đã ổn định 6.628 ha ruộng chuyển đổi từ 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ/năm. Đã phối hợp xây dựng 13 cánh đồng mẫu lớn ở 6/13 xã, thị trấn, tổng diện tích gần 553 ha, năng suất bình quân 76,8 tạ/ha, tăng 9,3 tạ/ha so với năng suất bình quân chung toàn huyện. Bên cạnh đó, hơn 20 mô hình chuyển đổi cây trồng và ứng dụng sản phẩm sinh học cho sản xuất, chăn nuôi đã đem lại hiệu quả, được nông dân tin tưởng, áp dụng. Nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT thâm canh cây lúa, bắp, rau sạch… được tổ chức, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục duy trì và phát triển, tổng đàn trâu 1.153 con, đàn bò 14.571 con, trong đó bò lai chiếm 70% tổng đàn, đàn heo 47.500 con, đàn gia cầm 1,37 triệu con. Huyện cũng đã tập trung chỉ đạo, vận động người dân chuyển đổi phương thức nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, giảm diện tích nuôi bán thâm canh, tăng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi ghép với các loài thủy sản khác…, nhờ đó, dịch bệnh tôm giảm, năng suất, sản lượng tăng khá.
Nhìn chung, gần 3 năm qua giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện Tuy Phước bình quân hằng năm tăng 5,2% (Nghị quyết đề ra 5%); cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỉ trọng trồng trọt (từ 50,5% năm 2010 xuống còn 45,3% năm 2013), tăng dần tỉ trọng chăn nuôi (từ 46,3% lên 51,3%).
Đi đôi với phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tăng cường an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, thi công hàng trăm công trình, trong đó bê tông xi măng hơn 38 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 16,2 km kênh mương nội đồng; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước, hệ thống thủy lợi, đê sông, cầu cống, lưới điện, các cơ sở hạ tầng y tế, thiết chế văn hóa, trường, lớp học, chợ nông thôn, với tổng vốn đầu tư 356,8 tỉ đồng (vốn T.Ư và tỉnh hỗ trợ 118,2 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương). Ngoài ra, các xã đã đầu tư hơn 70 tỉ đồng, vận động nhân dân đóng góp tiền, hiến hơn 25.000m2 đất vườn, đất ruộng, cây cối, hoa màu trị giá hàng chục tỉ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất - văn hóa…
Các địa phương cũng đã từng bước triển khai thực hiện nhiệm vụ quy hoạch phát triển sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ một cách cụ thể theo điều kiện của từng xã để nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của huyện Tuy phước đã thật sự khởi sắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
THANH NGHIÊM