Tinh gọn để hoạt động hiệu lực, hiệu quả - Kỳ 2: Chuyển động tích cực
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề quan trọng đang được quan tâm triển khai. Ðảm bảo hiệu lực, hiệu quả cao nhất là đích đến cuối cùng.
Kỳ 2: Chuyển động tích cực
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ.
Chương trình tư vấn hướng nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh - đơn vị được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 trung tâm dạy nghề của 3 hội, đoàn thể. Ảnh: HỒNG PHÚC
Cơ quan Đảng gương mẫu đi đầu
Ngày 1.1.2019 là một dấu mốc quan trọng trong công tác sắp xếp, tinh gọn hệ thống chính trị, với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã giảm 9 phòng thuộc các cơ quan Đảng; giảm 18 phòng chuyên môn thuộc sở, 3 chi cục trực thuộc sở; giảm 6 ban thuộc tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Về nhân lực, giảm 15 trưởng phòng, 17 phó trưởng phòng thuộc các cơ quan Đảng; giảm 13 trưởng phòng, 23 phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở; giảm 5 trưởng, 4 phó các ban thuộc tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Đáng chú ý, từ ngày 1.11.2018, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có 1 trưởng phòng xuống phó phòng, có đến 8 phó phòng xuống làm chuyên viên. Dù theo hướng dẫn, trong thời gian đầu sắp xếp có thể giữ nguyên số cấp phó đã có, song lãnh đạo Ban Tổ chức vẫn quyết tâm thực hiện.
Còn Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Bình cho biết, ngành Tuyên giáo đã gương mẫu, đi đầu trong triển khai Nghị quyết Trung ương 6, nói đi đôi với làm. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giảm từ 7 phòng còn 4 phòng, 33 biên chế còn 25 biên chế, thôi giữ chức vụ phó trưởng phòng 3 người, xuống chức phó trưởng phòng 1 người.
“Qua kiện toàn tổ chức bộ máy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã từng bước ổn định về tổ chức, hoạt động, bước đầu đáp ứng yêu cầu các quy định của Đảng. Chức năng, nhiệm vụ của các phòng trực thuộc được quy định cụ thể, hợp lý; từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chung của Ban”, ông Bình chia sẻ.
Sau sáp nhập, Trường Mầm non Tam Quan đã mở rộng cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Ảnh: VĂN TRANG
Tinh gọn đầu mối trường học
Tháng 8.2018, Trường Mầm non Tam Quan được thành lập trên cơ sở Trường Mầm non Tam Quan cũ (có 4 lớp với 100 trẻ) và Trường Mầm non số 1 Tam Quan (có 14 lớp với 463 trẻ). Theo Hiệu trưởng Võ Thị Minh Loan, cái được lớn nhất sau khi sáp nhập là đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân khi cơ sở vật chất được tăng lên, hài hòa với số lượng trẻ. Trường còn thực hiện chế độ bán trú với 100% trẻ.
Hoài Nhơn là địa phương đi đầu trong thực hiện tinh gọn đầu mối trường học. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Thị Hoài Anh cho hay, từ tháng 8.2018, huyện này đã giảm được 9 trường (4 trường mầm non, mẫu giáo và 5 trường tiểu học). Tính trên phạm vi toàn tỉnh, theo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT) Võ Ngọc Sỹ, đến giữa tháng 5.2019, toàn tỉnh đã giảm được 7 trường mầm non và 14 trường tiểu học. Đáng chú ý, qua sáp nhập, hợp nhất, trong thời gian tới sẽ có 4 trường thực hiện mô hình trường 2 cấp học (tiểu học và THCS).
Theo đánh giá chung của ngành GD&ĐT, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đang được thực hiện đúng theo hướng dẫn và thận trọng. Công tác thuyên chuyển, điều động, bố trí, phân công nhân sự phù hợp. Qua sắp xếp, quy mô trường lớp đã lớn hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đi học và nâng cao chất lượng giáo dục. Các huyện đã xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của hiệu trưởng một số trường khi phải miễn nhiệm xuống làm hiệu phó hoặc tham gia công tác khác.
“Đến giờ này, Sở chưa nhận được phản hồi tiêu cực nào từ cán bộ, giáo viên, nhân viên sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục”, ông Sỹ khẳng định.
Với lĩnh vực đào tạo nghề và hướng nghiệp, UBND tỉnh đã quyết định hợp nhất 3 trung tâm dạy nghề của 3 hội, đoàn thể (Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh và Tỉnh đoàn) thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, chính thức hoạt động theo quy chế mới từ ngày 1.3.2019. Trước đó, đã sáp nhập 4 trường trung cấp vào Trường CĐ Bình Định kể từ ngày 1.1.2019.
Đồ họa: HỒNG QUẢNG
Hơn cả những con số
Trong khi đó, với lĩnh vực y tế, toàn tỉnh đã giảm 18 đơn vị sự nghiệp công lập. Đáng chú ý là hợp nhất 5 đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; sáp nhập Trung tâm Da liễu tỉnh vào BVĐK tỉnh và tổ chức lại thành Khoa Da liễu. Đồng thời, tổ chức lại TTYT huyện Tây Sơn trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở hợp nhất BVĐK khu vực Phú Phong và TTYT huyện Tây Sơn; sáp nhập 11 trung tâm DS-KHHGĐ vào TTYT cấp huyện và tổ chức lại thành phòng dân số; hợp nhất Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Phục hồi chức năng thành Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng.
Theo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) Trương Kim Anh, sau khi hợp nhất, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng “gọn ghẽ” hơn hẳn, số giám đốc từ 8 giảm còn 3 người, phó giám đốc từ 16 giảm còn 9 người.
Song, phải kể đến hiệu quả thật sự đằng sau những con số khô khan đó. Đó là tinh gọn hệ thống, giảm chi phí, nhân lực hành chính. “Cơ sở vật chất được sử dụng hiệu quả. Những nhiệm vụ trước đây do nhiều đơn vị thực hiện nay được tập trung về một đầu mối. Viên chức được sắp xếp, bố trí công việc phù hợp vị trí việc làm, thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của từng đơn vị”, ông Trương Kim Anh phân tích.
Để có được kết quả ấn tượng này, kế hoạch thực hiện đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế xây dựng từ sớm trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đơn vị trực thuộc, cùng sự tham gia của các sở, ngành có liên quan. Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng trực tiếp làm tổ trưởng tổ công tác thực hiện Kế hoạch số 35-KH/TU. Tổ công tác họp hằng tuần, liên tục cập nhật tiến độ, đôn đốc các bộ phận liên quan; cao điểm nhất là tháng 12.2018. Để đến ngày 1.1.2019 - giờ “G” - các đơn vị mới thành lập bắt đầu đi vào hoạt động, đúng lộ trình đề ra theo Kế hoạch.
ÔNG VÕ VĂN BÌNH - PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY:
Tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận
Trên thực tế, sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế là vấn đề không đơn giản. Quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là tác động đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ, đảng viên. Bởi khi thực hiện thì nhiều người băn khoăn, lo lắng vì không biết sẽ về đâu, có còn giữ vị trí, chức vụ công tác như trước đây hay không.
Do đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tuyên truyền để ổn định tư tưởng. Ðặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các tổ chức Ðảng quan tâm, chú ý đến tư tưởng của cán bộ, công chức trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Nhờ đó, sau thời gian đầu thực hiện, các cơ quan, đơn vị đã dần đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Ðể tiếp tục phát huy hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động, thuyết phục vẫn phải đi đầu. Trong đó, trọng tâm là thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá về công tác tuyên truyền; kịp đề xuất khen thưởng và biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt.
VĂN TRANG - QUỲNH HOA - NGUYỄN PHÚC - NGUYỄN MUỘI
(Đón xem kỳ cuối: Quyết liệt nhưng không nóng vội, Báo Bình Định ngày 19.6)