Cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản: Nhiều ngư dân bị “mắc kẹt”
Ðể quản lý nghề cá phát triển bền vững, Luật Thủy sản quy định, Bộ NN&PTNT quản lý khai thác thủy sản tại vùng khơi, UBND cấp tỉnh quản lý vùng ven bờ, vùng lộng thuộc địa bàn do mình quản lý. UBND tỉnh đã ban hành quyết định cấp hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng ven bờ cho các địa phương ven biển trong tỉnh.
Tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Quy Nhơn kiểm tra thủ tục xuất nhập bến cho chủ tàu cá.
Theo đó, tàu cá có chiều dài 15 m trở lên chỉ được hoạt động tại vùng khơi, tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động vùng lộng, tàu dưới 12 m hoạt động vùng ven bờ. Việc quản lý khai thác thủy sản (KTTS) theo hạn ngạch nhằm đảm bảo tàu cá hoạt động đúng vùng tuyến, đồng thời bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển bền vững. Dù vậy, một số ngư dân đã gặp khó khăn khi tuân thủ luật.
Đến nay, Bộ NN&PTNT cấp cho tỉnh ta 3.118 giấy phép KTTS tại vùng khơi. UBND tỉnh đã công bố 2.997 giấy phép KTTS tại vùng lộng và vùng ven bờ, trong đó có 1.388 giấy phép KTTS vùng lộng và 1.609 giấy phép KTTS vùng ven bờ. Qua rà soát, tỉnh ta hiện có khoảng 400 tàu cá đang hoạt động tại vùng khơi buộc phải chuyển vào vùng lộng.
Trước những thay đổi do hạn ngạch quy định, ngư dân Huỳnh Chánh Thi, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 96475 TS, bộc bạch: “Tàu của tôi có công suất 420 CV nhưng chỉ dài 13,9 m, lâu nay làm nghề câu cá ngừ đại dương, hoạt động chủ yếu ở vùng khơi. Nay do không đủ chuẩn hoạt động ở vùng khơi nữa, buộc phải chuyển vào vùng lộng. Nếu chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật, tôi phải chuyển nghề khác chứ nghề câu cá ngừ đại dương hoạt động ở vùng lộng thì sản lượng không đạt, mà nâng cấp, cải hoán tàu cho đủ chiều dài thì không được cấp phép. Quy định này gây khó khăn không ít, khiến ngư dân bị mắc kẹt, tôi đề nghị xem xét lại!”.
Còn ngư dân Lê Thanh Hải, ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 93603 TS, dài 14,4 m, làm nghề mành chụp kiêm câu cá ngừ đại dương, lo lắng: “Chúng tôi rất băn khoăn ở điểm, hiện nay lượng tàu hoạt động tại vùng lộng đã rất nhiều. Nay theo quy định sẽ có thêm nhiều tàu buộc phải vào vùng lộng hoạt động. Như vậy mục tiêu bảo vệ tài nguyên, nguồn lợi thủy sản liệu có thực hiện được không? Hoạt động đánh bắt, khai thác của ngư dân liệu có đảm bảo đạt kết quả tốt không? Hơn nữa, ngư dân có tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước hay không?”.
Ngư dân Hoài Nhơn chuẩn bị cho chuyến biển mới.
Được biết, trước đây, việc quy định vùng khai thác căn cứ theo tiêu chí công suất tàu, Nghị định 33 năm 2010 về quản lý hoạt động KTTS quy định, tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên được khai thác thủy sản tại vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy nhiên, Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019, lại chuyển tiêu chí từ công suất sang chiều dài của tàu, theo đó tàu cá phải đảm bảo dài 15 m trở lên mới được đánh bắt tại vùng khơi (không căn cứ vào công suất nữa). Rõ ràng khung thời gian 2 năm - từ khi ban hành luật là năm 2017 đến khi luật có hiệu lực thi hành là năm 2019 - là quá ít để ngư dân có thể xoay xở. Trong khi đó, khi căn cứ theo nghị định cũ, ngư dân đã đầu tư vốn đóng tàu từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng với mối quan tâm lớn nhất là công suất chứ ít tính đến chiều dài. 400 tàu cá buộc phải chuyển ngư trường với cơ may KTTS đạt hiệu quả tốt được dự báo thấp là một mối lo lớn.
Trước những băn khoăn, lo lắng của ngư dân, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: “Sở đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT có hướng giải quyết cho số lượng tàu cá không đủ chiều dài phải chuyển sang hoạt động tại vùng lộng, bởi các tàu cá này vẫn còn thời hạn giấy phép KTTS đã được cấp trước đó. Việc cấp hạn ngạch giấy phép KTTS cũng sẽ đảm bảo giữ ổn định số lượng tàu cá hiện hành, phù hợp với định hướng phát triển nghề biển của tỉnh. Về lâu dài, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết cho bà con ngư dân”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN