Gắn bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Đô thị Nước Mặn với du lịch
Là một vùng đất nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có sự giao thoa và tiếp biến giữa nhiều nền văn hóa khác nhau (Sa Huỳnh, Chămpa), cùng với bao thăng trầm của lịch sử, Bình Định được thừa hưởng và tiếp thu những giá trị tốt đẹp của nhiều nền văn hóa và kết hợp với lớp văn hóa bản địa để làm giàu thêm, phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa của địa phương. Trong đó, không thể không kể đến lễ hội Đô thị Nước Mặn.
Chùa Bà nơi thờ Thiên Hậu thánh mẫu, là người có công cứu vớt thuyền bè mắc cạn nơi vùng cảng thị Nước Mặn thuở xưa.
Tháng Giêng xem hội chùa Ông,
Mà lòng nhấc nhổm chờ mong hội Bà.
Ai đi buôn bán nơi xa,
Lo về kịp hội quê nhà thường niên.
Lễ hội Ðô thị Nước Mặn ra đời gắn liền với sự phát triển của các yếu tố KT-XH. Ðến cuối thế kỷ XVI, chúa Nguyễn Hoàng được phái vào làm trấn thủ vùng Thuận Quảng. Với ý đồ cát cứ, ông đã xây dựng vùng đất Ðàng Trong bằng chính sách ngoại thương mềm dẻo: Mở mang, cho buôn bán với nước ngoài. Mãi đến thế kỷ XVII, nhiều người Hoa, người Nhật đã vượt biển đến vùng đất Nước Mặn để sinh sống, làm ăn và buôn bán với người Việt. Từ đây, các thương cảng được hình thành: Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế), Nước Mặn (Bình Ðịnh). Từ đó, Nước Mặn nhanh chóng trở thành chốn phồn vinh của phủ Quy Nhơn xưa và vùng đất Ðàng Trong.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn được diễn ra trong vòng 3 ngày: 30 tháng giêng và ngày mùng 1, mùng 2 của tháng 2 âm lịch tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, với nhiều hoạt động như: Phần lễ (lễ rước thần), phần hội (kéo co, cổ nhơn, bắt vịt, bài chòi, hát bội…).
Như vậy, hơn 400 năm tồn tại, chùa Bà và lễ hội Đô thị Nước Mặn đã trở thành một trong những giá trị văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc văn hóa của người Bình Định và khách thập phương. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch, trong đó vai trò của cơ quan nhà nước là vô cùng quan trọng. Từ góc độ quản lý nhà nước về văn hóa, người viết xin đề xuất với chính quyền địa phương và các cấp, ngành văn hóa một số nội dung như sau:
1- Nên tổ chức kết nối lễ hội Đô thị Nước Mặn với lễ hội Đua thuyền ở sông Gò Bồi (đưa lễ hội Đua thuyền vào phần hội của lễ hội Đô thị Nước Mặn); kết nối du lịch biển Trung Lương (Cát Tiến), tượng Phật chùa Ông Núi với chùa Bà nước mặn để đưa chùa Bà trở thành một điểm đến thường xuyên của du khách.
2- Thực hiện sưu tầm và trưng bày các di sản cổ của thị tứ Nước Mặn (hiện vật, tranh ảnh) tại chùa Bà để du khách tham quan, chiêm ngưỡng.
3- Tiến hành nghiên cứu và thống nhất, chuẩn hóa các giai thoại, truyền thuyết, thần tích về chùa Bà.
4- Đưa nhiều thông tin, hình ảnh quảng bá di tích chùa Bà và lễ hội Đô thị Nước Mặn lên các trang web của chính quyền địa phương.
5- Gắn liền việc tổ chức lễ hội với việc bảo tồn các giá trị văn hóa khác thông qua việc đa dạng hóa phần hội: Ngoài bài chòi và hát bội, cần bổ sung thêm các hoạt động văn hóa khác như đánh cờ người, hò Bả Trạo (gắn liền với văn hóa Cầu Ngư của cảng Nước Mặn), biểu diễn võ (môn phái chùa Long Phước)...
6- Thí điểm mở các gian hàng ẩm thực với những món ăn đặc sản của Bình Định như bánh ít lá gai, nem chả chợ Huyện... để giới thiệu cho du khách.
7- Chọn lọc những trò chơi dân gian mang tính cộng đồng, thu hút sự tham gia của người chơi; làm tốt công tác trật tự, an toàn (tránh tình trạng chèo kéo, tiếp thị khiếm nhã, tăng giá giữ xe, chen lấn, xô đẩy…); làm tốt công tác môi trường - cảnh quan lễ hội; xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của du khách để thực hiện mê tín dị đoan…
8- Khôi phục trang phục truyền thống gắn liền với các giai đoạn phát triển của thị tứ Nước Mặn (trang phục Chămpa cổ, trang phục văn hóa Sa Huỳnh, trang phục thời đại Tây Sơn…) để cho du khách thuê check in nhằm tạo điểm nhấn đặc trưng cho lễ hội và ghi dấu ấn với du khách.
9- Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Bà, đặc biệt là khuyến khích các trường học tổ chức các buổi ngoại khóa đến chùa Bà để học sinh tham quan, tìm hiểu.
10- Chính quyền địa phương cần có sự phối hợp nhịp nhàng với ban quản lý di tích trong việc tôn tạo chùa Bà và bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội Đô thị Nước Mặn; đặc biệt là quá trình phê duyệt kế hoạch, chương trình lễ hội.
LÊ NHẤT HÒA
(Học viện Hành chính Quốc gia)