Một góc nhìn về văn hóa dân gian Hoài Nhơn
Văn hóa dân gian huyện Hoài Nhơn (Bình Định) của tác giả Trần Xuân Liếng và Trần Xuân Toàn vừa ấn hành là tập sách nghiên cứu văn hóa nằm trong đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”.
Sách tập hợp nhiều tư liệu văn hóa dân gian về vùng đất Hoài Nhơn, là kết quả của quá trình điền dã, sưu tầm, nghiên cứu tỉ mỉ, nghiêm túc. Sách dày hơn 600 trang, gồm các chương: Hoài Nhơn trong lịch sử và qua cảm quan dân gian; Các công trình thủy lợi ngày xưa; Các giống cây trồng ở Hoài Nhơn với sản phẩm chế biến truyền thống; Các nghề và làng nghề thủ công; Phương tiện giao thông vận chuyển ngày trước; Văn hóa ẩm thực; Văn học dân gian; Lễ lược - Cưới xin - Tang ma - Trò chơi dân gian.
Hoài Nhơn là địa danh sớm xuất hiện trên bản đồ Đại Việt. Đây là vùng đất trù phú, có nhiều nghề lâu đời như trồng dâu, dệt chiếu, trồng dừa, rèn, hàng xáo, làm nón lá, hầm vôi, làm nước mắm, làm tương đậu nành... Nghề và làng nghề được các tác giả khảo tả chi tiết, tỉ mỉ. Ví như nghề chặt đá ong, phục vụ trong xây dựng đã có tự lâu đời tại Hoài Nhơn: “Khi chặt đá, người thợ dùng thước đo để lấy cỡ đá, rồi phân đều trên mặt đá, dùng rìu chặt sâu theo đường vẽ đã phân rồi dùng xà beng xeo nhẹ, đá xẻ rớt ra theo ý định”.
Hoài Nhơn là vùng đất sở hữu nhiều tục ngữ, câu đố, các loại vè, đặc biệt là vè các lái, loại vè của dân lái ghe bầu xưa khá nổi tiếng của xứ Hoài Nhơn. Hơn nữa, đây là nơi sở hữu nhiều câu ca dân gian ngọt đằm được lưu truyền nhiều đời qua từng câu hò đối đáp, từng lời hát ru của những người mẹ đã lặn sâu vào trí nhớ bao người dân Hoài Nhơn: “À ơi... Ai về làng chiếu Gia An/ Bình Đê quê ngoại, Tam Quan xứ dừa/ À ơi... Đất An Đỗ chỗ cao chỗ thấp/ Ruộng Mỹ Trạch đỉa lội bánh canh/ Em về đất Phủ quê anh/ Bồng Sơn dệt lụa, Vĩnh Nhơn chăn tằm/ Núi Hương dù chẳng cây to/ Phụng Cang đắp lò hầm gốm nuôi em...”.
Với cách viết chỉn chu, mạch lạc, hệ thống, khoa học, Văn hóa dân gian huyện Hoài Nhơn (Bình Định) là nguồn tư liệu được chọn lọc kỹ càng qua quá trình điền dã, sưu tầm, nghiên cứu kỳ công của tác giả. Đây là tập sách cần thiết để bạn đọc tìm hiểu thêm về văn hóa dân gian của huyện Hoài Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung.
VÂN PHI