Phát triển nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn (Tiếp theo và hết)
Bài 3: Bảo đảm sự phát triển lành mạnh và bền vững
Quy hoạch phát triển, quản lý báo chí là việc làm đúng đắn, cần thiết của Chính phủ để sắp xếp, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, phát triển hệ thống báo chí, khẳng định vai trò của báo chí với sự phát triển xã hội và con người. Tuy nhiên, sau khi Quy hoạch được quyết định triển khai, đã có một số ý kiến tiêu cực, sai trái của các thế lực thiếu thiện chí, mà nổi lên trong số đó là sự kích động chống đối, cổ súy báo chí không nằm trong khuôn khổ pháp luật, cổ vũ tư nhân hóa báo chí…
Có thể nói RFA là địa chỉ truyền thông ở nước ngoài đầu tiên vội vã phản ứng với Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quy hoạch) của Chính phủ Việt Nam. Vì ngay trong ngày 3.4.2019, ngày Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký phê duyệt Quy hoạch, trang tiếng Việt của RFA đã đăng bài với nhan đề cho rằng Quy hoạch sẽ “giảm số lượng, vẫn kiểm soát chặt”! Và khôi hài là ngay câu đầu tiên, RFA giới thiệu Quy hoạch ký ngày 2.4, tức là sớm hơn một ngày so với thời điểm ký thực tế. Chi tiết này khiến RFA mắc một lỗi sơ đẳng trong nghề báo, bởi nếu không cẩu thả, xem thường người đọc họ phải thấy bản Quy hoạch quy định “Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành” là ngày 3.4, không phải ngày 2.4. Tiếp sau RFA là bài của BBC, VOA cùng đăng ngày 9.4.2019, và gần đây là cái gọi “bàn tròn: Việt Nam cần làm gì để cải tiến tự do báo chí?” công bố trên BBC ngày 10.5.2019. Chỉ căn cứ vào câu hỏi sử dụng trong các tiêu đề như “vi hiến”, “làm thất nghiệp”, “coi báo chí là công cụ” là đã phần nào có thể nhận ra các địa chỉ truyền thông trên tiếp cận văn bản Quy hoạch một cách thiếu thiện chí. Điều này thể hiện rõ hơn khi đa số cá nhân được phỏng vấn vốn vẫn thường xuất hiện trên RFA, BBC, VOA mỗi khi các địa chỉ truyền thông này cần phê phán, vu khống, xuyên tạc một sự kiện, vấn đề nào đó tại Việt Nam. Và hòa giọng với RFA, BBC, VOA, một vài người vốn đã từng là nhà báo nhưng lâu nay đã quay lưng lại với đất nước, dân tộc, thường xuyên lên mạng xã hội bịa đặt, vu cáo, thể hiện thái độ thiếu thiện chí với Đảng và Nhà nước, cũng công bố những luận điệu vu khống, xuyên tạc đối với báo chí, thậm chí còn xúc phạm một số tờ báo chính thống, có uy tín trong bạn đọc... Mặc dù vậy, dù rào đón chỉ là “số hiếm hoi ủng hộ bản Quy hoạch”, bài trên VOA vẫn phải dẫn ý kiến một nhà báo trong nước nhận xét bản Quy hoạch là “vô cùng cần thiết”.
Thực tế những hiện tượng trên không có gì bất thường, chỉ là sự nối dài các hành vi chống phá, xuyên tạc về báo chí Việt Nam mà nhiều năm nay các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn tiến hành. Vì thế, không thể trông đợi họ ủng hộ một bản Quy hoạch mà mục tiêu duy nhất là thúc đẩy hoạt động báo chí ở Việt Nam phát triển lành mạnh, tiên tiến, nhân văn, phong phú. Với các tổ chức, cá nhân phản đối, xuyên tạc bản Quy hoạch, thì từ rất lâu, nhân danh “dân chủ, nhân quyền” được quy chiếu từ các mưu đồ chính trị đen tối, họ luôn kêu gào, cổ vũ một thứ “tự do báo chí” vô nguyên tắc, ngoài khuôn khổ pháp luật, bất chấp pháp luật; đồng thời vẽ ra bức tranh mỹ miều về “tự do báo chí phương Tây”, đòi Việt Nam phải tổ chức, quản lý báo chí theo “mô hình báo chí phương Tây”, rồi đòi “tư nhân hóa báo chí” để biến báo chí ở Việt Nam thành công cụ phục vụ mưu đồ của họ. Với dã tâm đó, họ cổ vũ cho thứ tự do báo chí không xây dựng trên nền tảng của sự trung thực và tôn trọng sự thật. Đối với họ, bất cứ ai viết ra cái gì đưa lên mạng cũng là “nhà báo”, và làm báo có nghĩa là cứ việc tha hồ tự tung tự tác thông tin, bất chấp sự thật, bất chấp lương tri, bỏ qua tính trung thực để xuyên tạc sự thật, viết theo ý muốn của thế lực thao túng ngòi bút. Đó là lý do để trên địa chỉ truyền thông của các tổ chức, cá nhân thường lớn tiếng vu cáo Việt Nam “vi phạm tự do báo chí” luôn xuất hiện thông tin bịa đặt, sai lạc, bình luận không trung thực. Đồng thời cũng lý giải vì sao tung tin giả (fake news), công bố thông tin mà không phải chịu trách nhiệm (như: “theo nguồn tin riêng”, “theo nguồn tin chưa được kiểm chứng”, “nguồn tin đề nghị giấu tên cho biết”), hoặc thường xuyên bình luận theo thuyết âm mưu để đẩy vấn đề, sự kiện, hiện tượng được đề cập theo hướng tiêu cực, cố tình gieo rắc loại giá trị họ tôn thờ,… vốn không xa lạ đối với họ, để rồi khi thực tế chứng minh thông tin được đưa ra là sai trái, bịa đặt thì tác giả, nơi đăng tải im bặt như chưa có gì xảy ra. Chưa kể, từ số người mà họ nhắc tới, qua luận điệu họ sử dụng bảo vệ số người này để vu cáo Việt Nam “vi phạm tự do báo chí”, không khó nhận ra đó là những người vi phạm pháp luật, đã bị pháp luật xử lý. Nói cách khác, nhân danh “tự do báo chí” theo ý đồ riêng, họ biện hộ cho số người viết lách trên mạng để hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
Năm 2018, trong Sứ điệp nhân Ngày truyền thông thế giới, Giáo hoàng Franciscus (Phan-xi-cô) đã kêu gọi các nhà báo trở thành “người bảo vệ sự trong sáng của tin tức”. Từ lời kêu gọi này suy ra nếu mọi nhà báo trên thế giới đều hành nghề một cách trong sáng, Giáo hoàng Franciscus sẽ không có ý kiến như vậy. Sự kiện khiến nhớ lại trước đó, năm 2015, sau khi xảy ra vụ khủng bố tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Pháp, Giáo hoàng Franciscus từng cho rằng “tự do ngôn luận cũng có giới hạn, nhất là khi nó xúc phạm, chế giễu đức tin của người khác”. Và những người đang vu khống, bịa đặt về vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam ngợi ca tự do báo chí phương Tây nếu thực sự còn chút lương tâm và liêm sỉ cũng nên tự suy nghĩ và cần biết điều ông L.M. Russell (L.M Rút-xen) ở Mỹ nói: “Từ nhiều năm nay, ở đất nước này, đồng tiền kiểm soát chính sách báo chí. Rất ít tờ báo dám phát ngôn trên lập trường của đông đảo nhân dân. Những tờ báo này được trợ cấp, do đó, chúng nói ngôn ngữ của các ông chủ”; hay tác giả cuốn Độc quyền truyền thông (The Media Monopoly) viết: “Các tập đoàn có chiến lược kiểm soát riêng đối với báo chí, từ chuẩn bị nội dung đến đăng tải thông tin. Không một chương trình nào, dù là tin tức hay giải trí, đến được với công chúng nếu không qua sự kiểm duyệt của người quản lý. Các tập đoàn này cũng bóp nghẹt các công ty truyền thông nhỏ lẻ cung cấp những thông tin thiếu hụt cho công chúng. Trong cuộc chơi đó, vai trò của công chúng hầu như không có”. Tương tự, hẳn là từ hệ lụy nguy hại do thông tin sai lệch từ báo chí với các cuộc bầu cử, mà Liên hợp quốc xác định chủ đề Ngày tự do báo chí thế giới năm 2019 là: “Truyền thông vì dân chủ: báo chí và các cuộc bầu cử trong thời đại của những thông tin sai lệch”. Đặc biệt, khi tin giả hoành hành gây tác hại khôn lường, ngày 8.5.2019, chính quyền Singapore (Xin-ga-po) đã thông qua đạo luật quy định người bị phát hiện đăng thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông ở Singapore phải nhận mức phạt lên đến 50.000 SGD (37.000 USD) hoặc 5 năm tù giam. Nếu nội dung giả mạo được đăng bằng cách sử dụng tài khoản ẩn hoặc cả hai, thì số tiền phạt sẽ tăng lên tối đa 100.000 SGD hoặc thời hạn tù 10 năm. Đây là các ý kiến, các sự kiện mà những ai đang nhân cơ hội Quy hoạch báo chí được triển khai ở Việt Nam để phê phán cần tham khảo, rồi tự vấn xem hành xử như vậy có phù hợp lương tri hay không.
Họ cũng nên nhìn vào việc các “ông vua truyền thông” đã và đang thao túng báo chí ở nhiều quốc gia phương Tây ra sao. Khi sử dụng báo chí làm công cụ kinh doanh, không ông “vua truyền thông” nào lại nhiệt huyết “vì dân chủ, vì tự do báo chí” đến mức coi thường lợi nhuận. Đối với họ, khi đã kinh doanh thì bao giờ mục đích vẫn là lợi nhuận và lợi nhuận nhiều hơn. Để gia tăng lợi nhuận, họ không ngần ngại sử dụng báo chí phục vụ lợi ích của các thế lực kinh tế - chính trị đang lũng đoạn xã hội đã biến họ thành công cụ, họ sẵn sàng làm mọi việc, kể cả truyền bá thông tin sai trái, tiến công nền tảng tinh thần của xã hội, đầu độc công chúng… Cho đến nay, những chiến dịch “truyền thông bẩn” mà báo chí phương Tây tiến hành để dựng lên màn kịch vu khống “vũ khí hủy diệt” ở I-rắc, công bố thông tin sai lạc và hình ảnh bị bóp méo về “tiến công hóa học” ở Xi-ri để góp phần mở đường cho cuộc tiến công lật đổ một chế độ, đem bom đạn giội lên đầu phụ nữ, trẻ em của dân tộc khác... vẫn là các bằng chứng tệ hại không thể chối bỏ, và đồng thời chỉ rõ bản chất của những điều mà họ vẫn tôn thờ, ca ngợi.
Nếu những ai thực tâm mong muốn ở Việt Nam có một nền báo chí hiện đại, phong phú, sinh động, luôn đem tới và luôn hướng công chúng đến những giá trị nhân văn, vì sự phát triển của xã hội và con người, chắc chắn sẽ ủng hộ bản Quy hoạch mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành bởi mục tiêu cuối cùng của việc quy hoạch này là đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của tiến trình phát triển đất nước, phát triển con người. Đó là động hướng tinh thần tích cực vốn có của mọi tổ chức, cá nhân có lương tri, có niềm tin vào sự phát triển của một xã hội văn minh. Do đó, việc một số tổ chức, cá nhân sử dụng thủ đoạn xuyên tạc, suy diễn để phản đối bản Quy hoạch báo chí mà Việt Nam ban hành không chỉ thể hiện thái độ thiếu thiện chí của họ, mà còn cho thấy họ đã tự đặt liêm sỉ sang một bên để thực hiện ý đồ xấu. Và xét đến cùng, những ý kiến phản đối, xuyên tạc đó vẫn là tiếp tục cố tình dấn sâu hơn trên con đường tiến công vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến công đường lối và các chủ trương, chính sách ích nước lợi dân của chế độ xã hội, làm băng hoại hệ thống giá trị văn hóa, làm tha hóa con người, làm chệch hướng của Việt Nam trên con đường đi lên phía trước. Nhưng đó chỉ là nỗ lực tuyệt vọng, dù cố gắng đến thế nào chắc chắn họ cũng sẽ thất bại, không thể ngăn cản được sự phát triển của Việt Nam nói chung, của báo chí Việt Nam nói riêng.
Theo ĐÔNG Á VÀ QUANG HÀ (nhandan.com.vn)