Phòng chống dịch tả heo châu Phi: Trên đã “nóng”, dưới còn “lạnh”
Mặc dù Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức, để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Báo cáo của ngành chức năng tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh diễn ra ngày 18.6 cho thấy, dịch tả heo (DTH) châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp. Hiện loại dịch bệnh này đã lây lan ra 14 xã của 8/11 huyện, thị xã, thành phố (ngoại trừ huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh) với 954 con heo của 49 hộ dân buộc phải tiêu hủy.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, quá trình thực hiện công tác phòng chống DTH châu Phi đã bộc lộ nhiều hạn chế. Dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhưng ở cấp huyện, ban chỉ đạo phòng chống dịch động vật một số địa phương (ngoại trừ huyện Hoài Ân) chưa kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch; chưa xây dựng kế hoạch cụ thể ứng phó khi xảy ra dịch; chưa chỉ đạo kiểm tra hoạt động mua bán thịt heo tại các chợ và cũng chưa xác định cụ thể địa điểm xử lý tiêu hủy heo bệnh.
Một số địa phương cũng chưa chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, xử lý thức ăn thừa tại các quán ăn, nhà hàng; chưa kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh hoạt động rửa xe vận chuyển heo, tắm heo dọc địa bàn tỉnh. Có trường hợp dù đã niêm phong kẹp chì, nhưng chủ phương tiện chở heo vẫn tắm và vứt heo chết trên địa bàn huyện Phù Mỹ. Hoạt động rắc vôi bột xung quanh chuồng trại chăn nuôi và khu vực đã xảy ra dịch bệnh cũng qua loa đại khái; chưa kiểm tra, kiểm soát được việc vận chuyển, buôn bán heo.
Ở cấp xã, nhiều tổ xung kích chống dịch chỉ mang tính hình thức, khi có dịch xảy ra xã không huy động được người vì thành viên tổ xung kích chủ yếu là thuê mướn. Khi phát hiện heo bị chết, người dân báo cho xã nhưng xã phản ứng rất chậm khiến người dân bức xúc. Địa phương cũng chưa chủ động bố trí kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Các hội - đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống DTH châu Phi.
Đánh giá nhiều tác nhân có thể làm cho DTH châu Phi diễn biến phức tạp hơn, trong khi vẫn còn nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện công tác phòng chống dịch chưa được giải quyết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền phải quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 55-CT/TU ngày 31.5.2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn hiệu quả bệnh DTH châu Phi trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Trần Châu nhấn mạnh, sau cuộc họp này, các thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố phải xuống cơ sở ít nhất 2 lần/tuần để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống DTH châu Phi. Hội, đoàn thể các cấp cần phát huy tinh thần trách nhiệm, nói phải đi đôi với làm. Đây là thời điểm các đoàn viên, hội viên cần cán bộ đoàn, hội nên phải thường xuyên bám sát cơ sở để chia sẻ, hỗ trợ giải quyết những khó khăn vướng mắc cho dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở Y tế, Sở Công thương đẩy mạnh kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và hoạt động mua bán, vận chuyển heo, đảm bảo heo an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn chính quyền và người dân các địa phương về quy trình kỹ thuật phòng chống DTH châu Phi; tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển gia súc ra vào tỉnh tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật. Chính quyền các địa phương phải chỉ đạo và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; chủ động trích ngân sách phục vụ công tác phòng chống dịch; thông báo cho người dân biết các vùng đang bị dịch bệnh, hạn chế người và phương tiện ra vào vùng có heo bị dịch bệnh.
PHẠM TIẾN SỸ